Mới đây, Tổ chức xếp hạng MSCI về xếp hạng thị trường chứng khoán năm 2017 công bố Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Mà MSCI chỉ đưa Saudi Arabia, Argentina vào danh mục được xem xét nâng hạng tiềm năng lên thị trường mới nổi, Nigeria được xem xét nâng từ thị trường cận biên lên Standalone status (thị trường độc lập).
Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán trên thế giới mà phụ thuộc vào đánh giá của các nhà đầu tư.
Mặt khác, MSCI sẽ mất ít nhất 2 năm để xem xét đưa ra quyết định nâng hạng một thị trường chứng khoán mà kết quả còn dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài.
Song, nếu so với các thị trường mới nổi như Thái Lan, Philipines, Malaysia thì thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tương đồng về mức độ, không có sự khác biệt lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nằm ngoài bảng xếp hạng một phần là do rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, một số thị trường như Nhật Bản hay Indonesia cũng không dùng tiếng Anh.
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 60 cho phép nới room từ nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100 %.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cập nhật các thông tin và văn bản pháp lý bằng tiếng Anh. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC về hướng dẫn doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng nới lỏng tự do hóa thị trường ngoại hối, cắt giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ các yêu cầu về khả năng chuyển nhượng, cho vay chứng khoán, tiếp tục hoàn thiện thể chế và hạ tầng của thị trường và đưa ra giải pháp quảng bá, nâng cao hình ảnh về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Được biết, kể từ đầu năm nay, vốn đầu tư ngoại vẫn tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt trên 22 tỷ USD song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, với khả năng và nhu cầu thực tế của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn.
“Nâng hạng thị trường chứng khoán là một quá trình dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực không thể nhanh chóng trong ngày một ngày hai”, ông Vũ Chí Dũng nhấn mạnh.
Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành công thì quy mô của dòng vốn ngoại cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ có sự đột phá góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều bộ, ban ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như của các thành viên thị trường.
Ngọc Diệp
>> TTCK Việt Nam “trượt” danh mục MSCI xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi