25 tỷ USD doanh thu công nghệ trên khắp châu Á hiện đang đối mặt với rủi ro lớn sau những hạn chế mà Hoa Kỳ áp đặt lên Huawei, cơ quan xếp hạng Standard and Poor cho biết trong một báo cáo.
Chính quyền TT Donald Trump đã đưa ra một quy tắc mới vào tháng 5, yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Hoa Kỳ phải có giấy phép do chính phủ Mỹ cấp mới được phép bán hàng cho Huawei hoặc chi nhánh của Huawei. Và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hoa Kỳ sẽ... sớm cấp giấy phép đó. Trong khi Huawei lại cần những chất bán dẫn đó để sản xuất điện thoại và thiết bị viễn thông.
Những hạn chế mới có thể ảnh hưởng tới 15% - 20% doanh thu, tương đương khoảng 7 tỷ USD của các công ty như Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế - nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các công ty khác trong khu vực cũng sẽ gặp phải một “cú hích” thứ cấp có thể trị giá tới 18 tỷ USD do có hợp tác cùng Huawei và một số công ty nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ.
“Nếu không có giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ, các công ty sử dụng thiết bị của Mỹ sẽ không thể cung cấp dịch vụ trực tiếp cho Huawei mà không phải đối mặt với những hạn chế,” Cliffor Kurz, nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings nhận xét.
Về phần mình, Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ tài chính và hoạt động tiềm năng cho Huawei và các công ty chịu ảnh hưởng đồng thời triển khai một số biện pháp trả đũa như hạn chế mua bán thiết bị của Mỹ tại thị trường nội địa, mang đến nhiều cơ hội mới cho các công ty châu Á, S&P lưu ý.
Huawei hiện đã vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới dựa trên khối lượng giao hàng trong tháng Tư - tháng Sáu, theo thống kê từ công ty nghiên cứu Canalys. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng hoài nghi về việc liệu Huawei có thể giữ vững vị trí dẫn đầu này vì phần lớn doanh số quý III của Huawei đều đến từ Trung Quốc.
Nguồn: CNBC