Nhập khẩu hàng may mặc của EU đang được "định hình lại"

Giá cả tăng cao, tỷ giá hối đoái thay đổi và Brexit đang định hình lại hoạt động nhập khẩu hàng may mặc của châu Âu trong năm 2022.

Đây là điều mà Institut Français de la Mode (IFM) đã chỉ ra trong cuộc họp Khởi động lại ngành thời trang vào đầu tháng 12/2022. Mặc dù nhập khẩu hàng may mặc của châu Âu vẫn gia tăng về giá trị nhưng lại chững lại về mặt khối lượng kể từ năm 2019, trong khi các đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc đang thấy được sự thành công hơn mong đợi. 

Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng may mặc của châu Âu tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021 và 20% so với mức trước năm 2019. Sau mức tăng trưởng thấp nhất trong năm 2020, giai đoạn phục hồi đã được ghi nhận và IFM đã chỉ ra sự gia tăng trong đơn giá sản phẩm. Sự gia tăng này một mặt là do chi phí và lạm phát tăng cao, mặt khác là do tỷ giá hối đoái. Để mua hàng ở Trung Quốc, nơi các đơn đặt hàng được thương lượng bằng USD, người châu Âu phải trả nhiều euro hơn so với trước đây. Do đó, mặc dù hàng nhập khẩu tăng 20% về giá trị so với năm 2019 nhưng con số này chỉ tăng 3% về khối lượng.

Gildas Minvielle, Giám đốc Cơ quan Quan sát Kinh tế của IFM, cho biết: “Rõ ràng có một 'hiệu ứng đồng USD’ mạnh mẽ nhưng điều này cũng không ngăn cản được động lực nhập khẩu của EU”.

Động lực thúc đẩy nhập khẩu

Một trong số những hiện tượng giúp thúc đẩy nhập khẩu của châu Âu chính là động lực mạnh mẽ của xuất khẩu. Ông Gildas Minvielle cho biết: “Động lực của nhập khẩu theo sau xuất khẩu. Chúng tôi xuất khẩu một phần lớn những gì chúng tôi nhập khẩu". 

Về các quốc gia cung cấp hàng hoá, IFM lưu ý rằng Trung Quốc đã tăng 21,6% về giá trị xuất khẩu may mặc sang châu Âu, nếu chúng ta so sánh 9 tháng đầu năm 2019 và 2022. Nhưng khối lượng lại giảm 19%. “Chính sách zero Covid ảnh hưởng tới ngành công nghiệp của địa phương,” ông Minvielle nhận xét. Tuy nhiên, tình huống này lại giúp những quốc gia như Bangladesh có thể tận dụng cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU lên 61,5% về giá trị và 28% về khối lượng. Một sự tăng tốc lớn mà phó chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Bangladesh (BGMEA), Miran Ali, gần đây đã phân tích cho FashionNetwork.com.

Pakistan, Ấn Độ, Miến Điện và Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ tình hình mới này.  

Trong số các nhà cung cấp lớn khác cho châu Âu, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang hoạt động tốt. Quốc gia này cho thấy mức tăng 28,9% về giá trị và 13% về khối lượng kể từ năm 2019. Trong khi đó, IFM lưu ý rằng Maghreb đang mất thị phần, trong khi Ma-rốc và Tunisia thì trì trệ về khối lượng cũng như tốc độ tăng trưởng chậm về giá trị của hàng hóa xuất khẩu sang EU. 

Tăng trưởng hàng may mặc dự đoán giảm 4,9% trong năm 2022

Đầu năm nay, IFM đã xây dựng 3 kịch bản cho mức tiêu dùng hàng may mặc, trong đó kịch bản lạc quan nhất vẫn là trở lại mức trước đại dịch năm 2019. Thật không may, lại có vẻ như kịch bản bi quan nhất đang trở thành hiện thực. Tuy vẫn phải chờ số liệu của tháng 11 và tháng 12, nhưng IFM dự đoán rằng năm 2022 sẽ kết thúc với tổng doanh số bán hàng tăng khoảng 3,3% so với năm 2021, tương đương giảm gần 4,9% so với mức của năm 2019.

"Đây thực sự không phải là một điều ngạc nhiên và chúng tôi cũng không quá kỳ vọng vào sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2023", Giám đốc Cơ quan Quan sát Kinh tế của IFM cảnh báo. "Trong trường hợp mức tiêu thụ không tăng trưởng, lĩnh vực may mặc có thể sẽ trải qua một năm 2023 giống như 2022. Trong một thị trường trước đây luôn phụ thuộc rất nhiều vào giá trị, tăng trưởng không còn được mong đợi nữa. Logic 'ít hơn là nhiều hơn' (less is more) mà người tiêu dùng đang hướng đến trong thời trang sẽ được áp dụng cho chính thị trường."

Chiến lược tìm nguồn cung ứng cho năm 2023

Theo khảo sát của IFM, không ít hơn 48% các công ty được hỏi muốn tăng cường nguồn cung ứng của họ ở Địa Trung Hải vào năm tới và 39% có ý định ổn định chúng. 

Tuy nhiên, tình huống này trái ngược với các tuyên bố liên quan đến nguồn cung ứng châu Á. Không dưới 65% và 33% số người được hỏi muốn cắt giảm và sau đó ổn định nguồn cung ứng của họ ở các nước châu Á. Ông Gildas Minvielle chỉ ra: “Chúng ta có thể thấy nhiều doanh nghiệp và thương hiệu quốc tế đang tìm cách để chuyển dần hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, khi chúng tôi bao gồm các câu trả lời liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng Trung Quốc, thì 73% số người được hỏi muốn giảm đơn đặt hàng của họ ở quốc gia tỷ dân”. 

Có thể bạn quan tâm