Nhà Trắng và Fed trước nguy cơ “chiến tranh lãi suất” vào năm 2025

Nhà Trắng và Fed có khả năng sẽ đối đầu gay gắt về vấn đề lãi suất vào năm tới khi Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục đưa ra các chính sách tài khoá táo bạo trong khi chủ tịch Jerome Powell quyết giữ lập trường kiên định….

Nhà Trắng và Fed trước nguy cơ “chiến tranh lãi suất” vào năm 2025

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell có khả năng sẽ bước vào một cuộc đối đầu chính sách vào năm 2025.

Cụ thể, nếu nền kinh tế tăng trưởng quá mạnh mẽ và lạm phát bùng phát trở lại, ông Jerome Powell và các đồng nghiệp tại Fed sẽ quyết định trì hoãn hoặc làm chậm lại kế hoạch cắt giảm lãi suất. Điều này có nguy cơ khiến ông Donald Trump tức giận, bởi lẽ, ông đã từng chỉ trích gay gắt các quan chức Fed về việc không nới lỏng chính sách tiền tệ đủ nhanh.

Mặc dù ông Jerome Powell đảm nhận vị trí Chủ tịch Fed từ năm 2018 sau khi được ông Donald Trump bổ nhiệm, nhưng cả hai người thường xuyên có nhiều bất đồng về định hướng lãi suất.

“Nếu tổng thống cho rằng lãi suất cần phải giảm, liệu Fed có cố chấp giữ nguyên lập trường chỉ vì để giữ hình ảnh trước công chúng?”, Joseph LaVorgna, cựu kinh tế trưởng tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, trả lời khi được hỏi về khả năng xảy ra xung đột.

Trước đó, ông Donald Trump đã nhiều lần công khai chỉ trích ông Jerome Powell. Đáp lại, ông Powell khẳng định tầm quan trọng của việc Fed phải duy trì tính độc lập và không chịu tác động từ áp lực chính trị, ngay cả khi áp lực đó đến từ Tổng thống.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, lạm phát tại Mỹ hầu như không đáng kể, nên ngay cả khi Fed tăng lãi suất, mức lãi suất chuẩn vẫn thấp hơn nhiều so với hiện nay.

Nhưng sắp tới, ông Donald Trump sẽ “lên dây cót” cho các kế hoạch tài khoá vừa mở rộng, vừa bảo hộ mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ trước, bao gồm cả một đợt áp thuế quan nhập khẩu khắt khe, cắt giảm thuế doanh nghiệp và gia tăng chi tiêu chính phủ. Nếu những chính sách này bắt đầu phản ánh rõ nét trên dữ liệu kinh tế, Fed dưới sự lãnh đạo của ông Jerome Powell có thể sẽ cứng rắn hơn trong việc duy trì chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Trong những ngày gần đây, các nhà giao dịch dường như đang thay đổi kỳ vọng về lộ trình tiếp theo của Fed. Theo chỉ số FedWatch của CME Group, thị trường hiện đang đánh giá khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 12 là 50/50, so với mức gần như chắc chắn cách đây một tuần. Về trung hạn, kỳ vọng 3 lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào năm 2025 cũng hạ đáng kể so với trước.

“Mọi con đường đều dẫn đến căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed. Không chỉ vậy, mà ngay cả cả Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Fed cũng sẽ có những giao điểm phức tạp”, ông Joseph Brusuelas, kinh tế trưởng tại RSM nhận xét.

Trên thực tế, ông Donald Trump đang xây dựng một đội ngũ trung thành để triển khai các chương trình kinh tế theo tầm nhìn của ông, nhưng thành công phần lớn sẽ còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ linh hoạt hoặc ít nhất là không gây cản trở hay thúc đẩy tăng trưởng quá mức. Đối với Fed, điều này thể hiện qua việc tìm ra mức lãi suất “trung lập”, nhưng với chính quyền mới, điều đó có thể mang ý nghĩa khác.

“Nếu chính phủ áp thuế nhập khẩu cao và trục xuất hàng loạt người lao động nước ngoài, điều này sẽ làm giảm đi nguồn cung tổng thể. Trong khi đó, cắt giảm thuế theo cách gây thâm hụt tài chính sẽ khuyến khích tăng cầu tổng thể. Đó là một sự mâu thuẫn cơ bản trong “ma trận” chính sách”, ông Joseph Brusuelas giải thích.

Tuy nhiên, có một số yếu tố được đánh giá là sẽ xoa dịu những căng thẳng này.

Thứ nhất, nhiệm kỳ của ông Jerome Powell sẽ kết thúc vào đầu năm 2026, nên ông Trump có thể chọn cách chờ đợi để bổ nhiệm một người khác phù hợp hơn với tầm nhìn của mình. Ngoài ra, khả năng Fed thực sự tăng lãi suất là rất thấp, trừ khi có một sự kiện bất ngờ đẩy lạm phát lên cao.

Hơn nữa, các chính sách của chính quyền Trump sẽ cần thời gian để tác động lên nền kinh tế, vì vậy bất kỳ ảnh hưởng nào đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế vĩ mô có thể sẽ không rõ ràng ngay lập tức, từ đó không cần đến phản ứng từ Fed. Thậm chí, các tác động này có thể còn không đáng kể.

“Tôi dự đoán lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại. Fed vẫn sẽ cắt giảm lãi suất trong năm tới, chỉ có thể là không nhanh như kỳ vọng”, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nhận định.

Xung đột giữa Nhà Trắng và Fed có thể sẽ trở thành vấn đề nan giải hơn đối với chủ tịch Fed kế nhiệm, giả sử ông Trump sẽ không tái bổ nhiệm ông Jerome Powell.

“Do đó, tôi không nghĩ đây sẽ là vấn đề của 2025 mà là của 2026, bởi khi đó, chu kỳ cắt giảm lãi suất có thể đã kết thúc và Fed cần bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Vấn đề khi đó mới thực sự bắt đầu”, ông Zandi kết luận.

Xem thêm

Fed đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát?

Fed đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát?

Dữ liệu lạm phát tuần này cho thấy Fed đang tiến gần đến mục tiêu lạm phát 2% ngay sau khi cắt giảm lãi suất mạnh mẽ 0,5 điểm phần trăm vào tháng trước. Goldman Sachs dự báo, chỉ số PCE của Mỹ trong tháng 9 sẽ đạt mức 2,04% và có thể được làm tròn xuống 2%…

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương chuẩn bị đội ngũ nội các và nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Những lựa chọn này hứa hẹn sẽ giúp định hình chiến lược lãnh đạo mới của ông trong bốn năm tới…

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…