Bệnh dại trong năm nay được nhận định là "vào mùa sớm" vì thông thường các năm trước số ca mắc bệnh dại tăng mạnh vào mùa nóng từ tháng 5 cho đến tháng 8 hàng năm. Nhưng năm 2024, chưa đầy 3 tháng đầu năm đã liên tiếp có những ca tử vong do bệnh dại trên cả nước.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 18/3, trên toàn quốc ghi nhận 23 ca tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh và thành phố, con số này gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người
Đáng nói, bệnh dại chủ yếu xuất hiện ở những tỉnh thành có tỷ lệ tiêm phòng dại thấp và trong những năm gần đây có nhiều người và trẻ em đã bị chó dữ cắn chết.
Hiện tại, các điểm tiêm phòng dại tập trung cho chó mèo tại Hà Nội được tổ chức vào mỗi cuối tuần, chi phí 23.000 đồng/mũi tiêm được cho là một mức giá hợp lý.
Tuy vậy, vẫn còn một số bộ phận người dân chủ quan khi đã nuôi chó mèo nhiều năm nhưng không tiêm do họ nghĩ rằng chúng sẽ mắc bệnh dại.
Trạm trưởng Trạm chăn nuôi thú y quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Trạm chăn nuôi thú y đã phối hợp với UBND các phường để tuyên truyền cho mọi người dân và sau mỗi đợt tiêm phòng dại, Trạm chăn nuôi thú y sẽ rà soát, kiểm tra lại các hộ nuôi chó mèo trên địa bàn phường, nếu các hộ không chấp hành sẽ xử phạt theo quy định".
Tại một số tỉnh, địa phương, lực lượng thú y của mỗi xã còn rất mỏng, mỗi xã thường chỉ có 1 cán bộ thú y, việc thiếu nhân lực khiến nhiều địa phương khó có thể hoàn thành việc tiêm phòng theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh việc thống kê tổng đàn chó mèo và tiêm phòng dại, việc kiểm soát vận chuyển chó mèo ra vào tại nhiều địa bàn cũng gặp không ít những khó khăn.
Đánh giá tình hình tiêm phòng vắc xin ở các địa phương hiện nay, ông Nguyễn Văn Long, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, chỉ có khoảng 20 tỉnh, thành phố đạt trên 50%. Đặc biệt tỷ lệ tiêm rất thấp tại một số tỉnh, có tỉnh chỉ dưới 10% như: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Hậu Giang,...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêm chưa đạt yêu cầu theo quy định được cho là các địa phương chưa quản lý cũng như chưa thống kê được đàn chó mèo nuôi.
Bên cạnh đó, người chủ nuôi không khai báo, không kê khai dẫn đến việc các cơ quan chức năng không kiểm soát được.
Hoạt động quản lý việc nuôi chó mèo hiện nay được cho là vô cùng khó khăn vì một bộ phận dân cư nuôi chó mèo không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, điều này đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của nhiều người.
Ngoài ra, việc tổ chức đấu thầu mua vắc-xin gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong các tháng đầu năm các quy trình từ xin vốn cho tới đấu thầu mua sắm cần tốn rất nhiều thời gian.
Hơn nữa, việc tổ chức tiêm phòng cho chó mèo gặp nhiều khó khăn do thiếu lực lượng thú y tại địa phương hoặc những người tham gia tiêm phòng được trả công rất thấp với công việc nguy hiểm này.
Theo báo cáo từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh thành. Riêng trong 2 tháng đầu năm nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh thành, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh thành có dịch so với cùng kỳ 2023.
Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai cấp bách phòng chống dịch bệnh dại.
Theo đó, chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời; tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm...