Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn thông báo kết quả kinh doanh năm 2022

Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công báo kết quả kinh doanh năm 2022 với ước tính mức tăng trưởng dương.
kết quả kinh doanh năm 2022

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 97,5% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, lợi nhuận của toàn tập đoàn lại giảm 7%, đạt 6.629 tỷ đồng so với năm 2021 nhưng vẫn vượt 4,6% kế hoạch năm đề ra. Theo, VNPT, Tập đoàn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề ra.

Doanh thu một số nhóm dịch vụ số doanh nghiệp có mức tăng khả quan so với cùng kỳ 2021, trong đó đặc biệt tăng mạnh tại các nhóm dịch vụ như Hạ tầng số (tăng 57%), Giáo dục số (tăng 74%), Quản trị doanh nghiệp (tăng 68%).

Dịch vụ 5G đã được VNPT mở rộng thử nghiệm thương mại tại nhiều tỉnh/thành phố. Dung lượng kết nối Internet quốc tế tăng 20%. Năng lực hạ tầng công nghệ thông tin đã được nâng cấp, mở rộng so với năm 2021. Năng lực hạ tầng cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu tăng 15%. Hạ tầng điện toán đám mây SmartCloud với khả năng co giãn tự động, tự phục vụ và trả tiền theo nhu cầu sử dụng, tăng hơn 5 lần so với năm 2021.  

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cũng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo Vinataba, năm 2022, Tổng công ty đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu so với kế hoạch, doanh thu công ty mẹ đạt 3.931 tỷ đồng, vượt 9% so với kế hoạch, tăng gần 8% so với năm trước. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Vinataba, năm 2022, một số quy định và thuế liên quan đến thuế bảo vệ môi trường đã làm doanh nghiệp này tăng chi phí. Cụ thể, từ 1/1/2022, các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá thực hiện chi trả phí môi trường 60 đồng cho một bao thuốc lá và từ 1/7/2022, các doang nghiệp phải trả 18 đồng trên một tem thuốc lá. Với các quy định này, các doanh nghiệp toàn Tổng công ty tăng chi phí trên 300 tỷ đồng.

Năm 2023 được dự báo là năm nhiều khó khăn, theo lãnh đạo Vinataba, dự kiến chi phí nguyên liệu của ngành này tăng cao, bình quân 11-16% so với năm 2022, trong đó riêng chi phí phụ liệu tăng 7-35% tuỳ từng loại. 

Đánh giá năm 2022 là một năm đầy khó khăn và thách thức của ngành dệt may nhưng Vinatex vẫn có kết quả kinh doanh khả quan. Theo Vinatex công bố, tập đoàn này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt đạt 19.535 tỷ và 1.090 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 14,6% so với năm 2021.

Hiện, ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 vẫn đạt trên 44 tỷ USD, tăng hơn 10%. Trong đó, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, với hơn 18 tỷ USD. Kế đến là Hàn Quốc 4,2 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc gần 4 tỷ USD...

Với mức tăng trưởng hai con số năm nay, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 sau Bangladesh, nhưng xét về quy mô kim ngạch xuất khẩu thì đứng thứ 3, sau Trung Quốc và Bangladesh. 

Dự báo về thị trường dệt may trong năm 2023, Chủ tịch HĐQT Vinatex - ông Lê Tiến Trường cho rằng, 3 tháng đầu năm sau sẽ không có gì sáng sủa hơn 3 tháng cuối năm 2022. 

Có thể bạn quan tâm