Nhựa An Phát Xanh: DN nghìn tỷ gian lận thuế, kinh doanh đi xuống

Sau khi nhận quyết định xử phạt do hành vi gian lận thuế, CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã CK: AAA) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020, với ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ĐHĐCĐ đã đặt ra.
Nhựa An Phát Xanh: DN nghìn tỷ gian lận thuế, kinh doanh đi xuống

Hàng loạt hành vi gian lận thuế

Theo đánh giá của công ty mẹ là CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (mã: APH), Nhựa An Phát Xanh là một doanh nghiệp lớn, có vị thế vững vàng trong ngành nhựa bao bì tại Việt Nam.

Tuy nhiên, An Phát Xanh lại có hành vi gian lận thuế, có vẻ không đúng đối với một doanh nghiệp lớn như tự định vị.

Theo Tổng Cục Thuế, gần đây, Nhựa An Phát Xanh đã bị “nhắc tên” trong danh sách doanh nghiệp gian lận thuế bạc tỷ.

Cụ thể, Nhựa An Phát Xanh đã có hành vi vi phạm khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Với hành vi này, Nhựa An Phát Xanh phải nộp phạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Tổng số tiền truy hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2019 mà An Phát Xanh phải nộp là 5,3 tỷ đồng. Số tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của An Phát Xanh từ năm 2017 đến năm 2019 là 399 triệu đồng. Truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thay nhà thầu nước ngoài là 6,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Nhựa An Phát Xanh còn phải nộp tiền chậm nộp thuế là 725,5 triệu đồng. Đây là số tiền chậm nộp tính đến hết ngày 31/12/2020, Nhựa An Phát Xanh có trách nhiệm tự tính và phải nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm thực nộp đủ tiền phạt và truy thu thuế theo quyết định của Tổng Cục Thuế.

Tổng số tiền truy hoàn, truy thu, phạt kê khai sai, tiền chậm nộp thuế là 7,6 tỷ đồng.

Vào cuối tháng 3/2021, Nhựa An Phát Xanh đăng ký chào bán 75 triệu cổ phiếu, với kỳ vọng huy động được 1.050 tỷ đồng (giá khởi điểm đấu giá 14.000 đồng/cp). Mục đích của đợt chào bán cổ phiếu công khai lần này là giúp Nhựa An Phát Xanh thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn lưu động.

Trước đó 1 tháng, công ty mẹ của Nhựa An Phát Xanh là An Phát Holdings đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021, thông qua phương án phát hành 55,7 triệu cổ phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu dự kiến là 557,5 tỷ đồng được sử dụng để mua cổ phiếu AAA của Nhựa An Phát Xanh.

Hiện  Phát Holdings đang nắm giữ 53,18% tỷ lệ lợi ích và tỷ lệ biểu quyết tại Nhựa An Phát Xanh.

Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Nhựa An Phát Xanh đã thông qua việc cho phép An Phát Holdings được nâng tỷ lệ sở hữu lên không vượt quá 65% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Được biết, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của An Phát Holdings, ông Phạm Ánh Dương đồng thời là chủ tịch HĐQT của Nhựa An Phát Xanh.

Kết quả kinh doanh sụt giảm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Nhựa An Phát Xanh, lợi nhuận trước thuế đạt 319 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2019 (tương ứng giảm 278 tỷ đồng) và chỉ đạt 58% chỉ tiêu kế hoạch đề ra đầu năm. Tổng doanh thu đạt 7.438 tỷ đồng, ít hơn 1.840 tỷ đồng so với doanh thu thực hiện năm 2019, hoàn thành 74% kế hoạch.

Giải trình cho kết quả kinh doanh đi xuống, Ban lãnh đạo Nhựa An Phát Xanh cho biết, lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản của công ty con là Công ty TNHH khu Công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex) giảm mạnh so với năm 2019, dẫn tới lợi nhuận ròng giảm theo.

Đến nay, KCN An Phát complex đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%. Ngoài ra, tỉnh Hải Dương mới đây đã bàn giao cho công ty 180ha đất để phát triển thêm các dự án bất động sản KCN. Tuy nhiên, doanh thu từ khai thác khu công nghiệp gồm bán, cho thuê đất, nhà xưởng lại không mang lại nhiều hiệu quả trong năm 2020, chỉ đạt 72 tỷ đồng, tương ứng giảm 90% so với doanh thu thực hiện trong năm 2019.

Ngoài ra, chi phí bán hàng, chi phí quản lý và các chi phí khác cũng tăng đáng kể, kéo giảm lợi nhuận của công ty.

Về tài sản, tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Nhưa An Phát Xanh tăng 7,3% lên 8.589 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu đến từ nguồn tăng tiền mặt và các dự án bất động sản đầu tư, tài sản xây dựng dở dang.

Trong đó, có hơn 145 tỷ đồng xây dành cho việc lấp đầy thêm Dự án KCN An Phát Complex và hơn 213 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy số 8. Trong số hơn 447 tỷ đồng giá trị bất động sản đầu tư đang được Nhựa An Phát Xanh làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Nhóm Công ty.

Về công nợ phải thu, Nhựa An Phát Xanh còn gần 1.681 tỷ đồng phải thu và cho vay chưa đòi được. Trong đó, công ty mẹ là An Phát Holdings hiện đang vay nợ Nhựa An Phát Xanh hơn 108 tỷ đồng cộng với 8,3 tỷ đồng tiền lãi. Ngoài ra An Phát Holdings còn “mua chịu” Nhựa An Phát Xanh số hàng hoá trị giá 1,5 tỷ đồng.  

Tuy giá trị tổng tài sản tăng, nhưng chất lượng tài sản của doanh nghiệp này lại giảm nhiều. Bằng chứng là chỉ số sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) trong năm 2020 chỉ đạt 3,17%, trong khi ROA năm 2019 đạt 5,94%. Chỉ số này cũng rất thấp so với một số doanh nghiệp cùng ngành như: Nhựa Tiền Phong có chỉ số ROA đạt 10,7%; Nhựa Bình Minh (ROA: 17,82%); Nhựa Đà Nẵng (ROA: 7,72%)...

Đối ứng bên nguồn vốn, nợ phải trả của Nhựa An Phát Xanh là 4.545 tỷ đồng, giảm hơn 180 tỷ đồng so với năm 2019.

Chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) cũng thấp, giảm từ 14,8% trong năm 2019 xuống còn 7,2% trong năm 2020. 

Trong năm qua, Nhựa An Phát Xanh đã trả được nợ gốc vay tới 7.365 tỷ đồng và vay thêm được 6.930 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm