Khu vực này nằm ở cực bắc của Ethiopia, dọc theo biên giới với Eritrea và Sudan, quê hương của các dân tộc Tigrayan, Irob và Kunama. Theo Hiến pháp Liên bang Ethiopia, vùng này được hưởng quy chế tự trị.
Mặc dù tình trạng pháp lý của khu vực đã được xác định theo hiến pháp, quan hệ giữa các nhóm dân tộc địa phương và thủ đô Addis Ababa luôn căng thẳng.
Mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2018, khi Thủ tướng Abiy nhậm chức. Người dân địa phương bắt đầu cảm thấy những nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm kiểm soát và chi phối quá trình ra quyết định trong vùng tự trị.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Ai Cập cho thấy, căng thẳng giữa Addis Ababa và khu vực Tigray dẫn đến sự cố, đã từng diễn ra vào tháng 9/2019. Khi đó người dân địa phương ở Shire và Zalambessa đã tấn công một đoàn xe quân sự của ENDF, rút khỏi khu vực biên giới với Eritrea theo thỏa thuận bình thường hóa giữa hai nước.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Tigray sau cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào tháng 8.2020, khi lực lượng TPLF tổ chức diễu hành quân sự cảnh báo chính quyền Ethiopia.
Bản đồ cuộc nội chiến ở Ethiopia, ngày 05/11, vùng xung đột Tigray màu đỏ
Ngày 4/11, chính quyền Addis Ababa phản ứng dữ dội trước động thái này, thủ tướng Abiy ra lệnh thực hiện một chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại TPLF ở Tigray. Thủ tướng cho biết các lực lượng chính phủ hành động để ngăn chặn các nhóm vũ trang địa phương tiếp quản các vị trí quân sự trong khu vực.
Chính quyền trung ương Ethiopia cũng công bố vùng cấm bay với Tigray. Khu vực này được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Mặc dù chính quyền Addis Ababa nhanh chóng phản ứng, nhưng TPLF kịp chiếm được tất cả các vị trí quân sự của Bộ Tư lệnh Vùng phía Bắc. Các đơn vị quân sự Ethiopia, đang đóng quân tại những vị trí này đã đào tẩu, và tham gia vào TPLF cùng các lực lượng địa phương khác.
Lực lượng TPLF chiếm được 4 căn cứ phòng không trang bị tổ hợp tên lửa S-125 Pechora ở Aksum, Adigrat và sân bay Alula Aba Nega gần thủ phủ Mekelle của vùng Tigray. Tại sân bay, lực lượng vũ trang nổi dậy địa phương thu giữ một radar 36D6 "TIN SHIELD", có tầm quan sát từ 180 đến 360 km.
Các tổ hợp tên lưả phòng không S-125 và radar bị lực lượng TPLF chiếm giữ
Những vũ khí trang thiết bị này trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Không quân Ethiopia, đang phải nỗ lực duy trì sự tồn tại với ngân sách quốc phòng ngày càng bị cắt giảm. Hiện lực lượng không quân này chỉ có khoảng từ 86 đến 95 máy bay chiến đấu các loại.
Đến thời điểm này, các đơn vị ENDF đang tiến vào khu vực phía tây Tigray, đặt mục đích cô lập khu vực này khỏi đường biên giới chung với Eritrea và Sudan.
Các lực lượng chính phủ Ethiopia tiến công từ thành phố Gondar theo hai hướng: hướng thứ nhất về phía quận Tsegede và hướng thứ hai về phía quận Welkait và thành phố Hmairah, đã bị lực lượng TPLF chiếm ngày 7/11.
Tại khu vực phía đông Tigaray, quân chính phủ cố gắng tiến công vào các vị trí quân sự gần thủ phủ Mikkeli cũng như về phía khu vực Raya Azebo. Nhưng lực lượng TPLF đánh bại tất cả các cuộc tấn công. Quân đội chính phủ Ethiopia phải tiến hành không kích vào khu vực này.
TPLF sẽ là một khó khăn trong cuộc nội chiến đối với ENDF. Lực lượng TPLF có 200.000 đến 250.000 tay súng giàu kinh nghiệm chiến đấu. Lực lượng chính phủ chỉ có thể tập trung được khoảng 162.000 binh sĩ.
Các chiến binh địa phương không có các vũ khí hạng nặng. Hiện đang có một số xe tăng T-55, T-62 và một số khẩu dã pháo. Đây là những vũ khí hạng nặng mà TPLF thu giữ được từ các vị trí quân sự của Ethiopia.
Addis Ababa đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng ở Tigray. Cuộc chiến có thể lan ra khỏi khu vực gây ra thành nội chiến toàn diện. Hơn nữa, kinh nghiệm của TPLF trong chiến tranh du kích có thể buộc các lực lượng chính phủ phải kéo dài chiến tranh chứ không thể giành chiến thắng dễ dàng.
Nếu các lực lượng chính phủ không đạt được mục tiêu trong thời hạn cho phép, áp lực quốc tế đối với Thủ tướng Abiy có thể sẽ gia tăng. Ethiopia có thể sẽ mất vùng Tigray cho TPLF nếu lực lượng này tìm kiếm được sự hậu thuẫn của nước ngoài và tuyên bố ly khai tương tự như Đông Timo của Indonesia.
Xung đột quân sự ở Tigray đang tác động nặng nề lên chính quyền Addis Ababa. Không có được kết quả khả quan, thủ tướng Abiy đã thay thế một số chỉ huy, nắm giữ các vị trí quan trọng trong các lực lượng vũ trang.