Theo truyền thông Trung Quốc ngày 23/9, nợ công của các chính quyền địa phương ở nước này đã tăng nhanh lên mức 2,58 nghìn tỉ USD. Mức nợ công tăng cao là rất đáng quan ngại, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang giảm.
Theo Quốc hội Trung Quốc, dự kiến cuối năm nay mức nợ công của các địa phương ở nước này sẽ còn tăng cao hơn nữa lên 21 nghìn tỉ nhân dân tệ, từ mốc 17,66 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,58 nghìn tỉ USD) hiện nay.
Mức nợ của các chính quyền địa phương là rất đáng lo ngại, bất chấp việc nợ của chính phủ Trung Quốc hiện chỉ ở mức 36,2% GDP, tức thấp hơn các nền kinh tế tiên tiến khác rất nhiều.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây sức ép cho các chính quyền địa phương cắt giảm mức nợ của họ để giảm rủi ro tài chính trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, với nhiều địa phương thì việc "nghiện" vay nợ khó có thể bỏ.
Vấn đề càng đáng lo ngại khi nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng, năm ngoái tốc độ tăng GDP của nước này chỉ còn 6,9% và được dự báo sẽ thấp hơn nhiều trong năm nay.
Bên ngoài, cuộc chiến thương mại của nước này với Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, hôm 17/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế 10% sẽ có hiệu lực từ 24/9 và có thể tăng hơn 2 lần vào năm 2019.
Ngay lập tức, Trung Quốc đáp trả bằng việc đánh thuế hơn 5.000 loại hàng trị giá 60 tỷ USD trả đũa Mỹ. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa mà Trung Quốc trả đũa đang nhỏ hơn rất nhiều so với Mỹ.
Trước đó, chính quyền Donald Trump đã áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 7/2018, và từ đó cũng châm ngòi cho hành động đáp trả của Bắc Kinh.
Ngoài việc bị Mỹ gây sức ép bằng hàng rào thuế quan, các công ty của Trung Quốc cũng đang bị hàng loạt Chính phủ gây sức ép trong hoạt động thâu tóm doanh nghiệp với cùng một lý do an ninh quốc phòng.
Mới đây, Chính phủ Đức đang cân nhắc một số biện pháp nhằm đối phó với tình trạng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách thâu tóm cổ phần các công ty công nghệ của Đức.
Cùng với đó, giới chức nước này đang xem xét điều chỉnh một số quy định trong luật đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo các ngành công nghệ chủ chốt ở quốc gia châu Âu này vẫn thuộc sở hữu của người Đức.