Và khiến những ký ức về một chuyến đi cuối năm với nữ doanh nhân này bỗng dưng ùa về mạnh mẽ..
Một dấu mốc đáng tự hào của một người phụ nữ trong con đường của một doanh nhân...
Một chuyến đi cuối năm với quá nhiều xúc cảm: nơi những người doanh nhân với tinh thần mãi mãi khởi nghiệp và cống hiến, với một mô hình kinh doanh đầy cảm hứng cho thế hệ trẻ và những câu chuyện của nữ Anh hùng lao động Ninh Thị Ty qua từng năm tháng…
Bên nhau những buổi sáng thứ bảy để “sống chậm” lại một chút, dùng bữa sáng với những món đặc trưng như phở, xôi gà, bánh mì pate điểm thêm những món quà vặt dân dã như khoai, sắn, bánh rán, chè ong… đặc biệt là những chia sẻ làm ăn, phát triển sản xuất hay thậm chí khó khăn… đã trở thành một nét văn hóa của các doanh nhân của đất Thủ đô. Thi thoảng các doanh nhân tỉnh xa có dịp về Hà Nội cũng ghé qua đây như một “điểm hẹn” thật lý tưởng.
Nhưng không chỉ có thế. Sau “bữa sáng” là những chuyến đi - với những tình cảm và trải nghiệm thú vị về một xí nghiệp, nhà máy của mỗi thành viên để mọi người hiểu thêm về hoạt động sản xuất cũng như cuộc sống và chính mỗi doanh nhân.
Thứ bẩy cuối cùng của năm 2018, chúng tôi theo lịch trình về với trang trại trồng tía tô của anh hùng lao động Ninh Thị Ty - chủ tịch HĐQT May Hồ Gươm và May Chiến Thắng. Về chị Ty thì quá nhiều điều để kể. Ngày còn bé, nhà nghèo nên vừa đi học, chị đã vừa biết mua lạc, mua hạt dẻ để rang bán trước cửa rạp chiếu phim, lấy tiền giúp gia đình. Với độ tuổi đáng lẽ còn “mải ăn mải chơi” như thế, việc làm ấy quả thật rất hiếm hoi. Có lần chị chia sẻ “cái máu lo toan, làm ăn của tôi có lẽ di truyền từ bà nội - một người kinh doanh có tiếng ở Hải Phòng từ trước Cách mạng tháng tám…”. Cũng không lạ khi đi học 10 năm từ nước Đức trở về, chị đã chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang của một kỹ sư ngành may và bắt tay vào công việc một cách say mê và hào hứng. Người ta đã từng tôn vinh chị “nữ tướng của ngành may” “Người hai lần vực dậy công ty may trên bờ vực phá sản”…
Tháng 11/1995 khi được giao tiếp quản xí nghiệp May thời trang Trương Định nay là Cty CP May Hồ Gươm trong tình trạng vô cùng khó khăn, tài khoản không còn một đồng nào, máy móc, thiết bị, nhà xưởng ọp ẹp, cũ kỹ, đời sống và tinh thần của cán bộ công nhân viên rất bi đát. Không hề nản trí, bằng những biện pháp cụ thể, tôi đã cùng các đồng nghiệp từng bước ổn định tổ chức, sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất cho hợp lý, tích cực tìm nguồn hàng để phát triển sản xuất. Chỉ sau một năm, xí nghiệp đã đi vào ổn định, năng suất lao động tăng cao, đời sống cán bộ công nhân được cải thiện rõ rệt, xí nghiệp đã thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính.”
Trước thành công đó, nhận thấy khả năng vực dậy nhà máy của chị, Tập đoàn một lần nữa lại tin tưởng giao thêm trọng trách mới cho chị khi trước đó đã có người từng đảm nhiệm nhưng không thành công.
“Khi May Hồ Gươm đã đi vào ổn định và phát triển tốt, tháng 11/2006, Tập đoàn Dệt may VN lại giao cho tôi tiếp quản Cty CP May Chiến Thắng trong tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài. Để vực dậy Cty này, tôi đã tập trung sắp xếp lại tổ chức, giảm các phòng ban gián tiếp, bố trí lại lao động, chấn chỉnh lại nề nếp làm việc, đặc biệt quyết định tăng lương cho người lao động nhằm ổn định tình hình. May Chiến Thắng cơ bản đã giải quyết được phần lỗ cũng như các khoản nợ đọng và đi vào phát triển sản xuất. Cùng thời gian này, tôi cũng quyết định mua lại công ty may Đức Việt (Thái Bình) cũng đang trong tình trạng làm ăn kém hiệu quả. Bằng kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, uy tín và khả năng tìm kiếm thị trường, tôi đã giúp các DN này vượt qua khó khăn, từng bước phát triển vững chắc.” Chị Ty từng chia sẻ.
Chị đã kể về những năm tháng ấy với giọng nói trong trẻo, nhẹ nhõm nhưng tôi hiểu tâm huyết và trí tuệ cùng sức lực chị dồn vào đó không phải đễ gì mà đo đếm được. Ngày đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm nhà máy, chị vội vã từ xưởng sản xuất chạy lên văn phòng công ty còn rất đơn sơ, tự tay pha trà rót nước mời khách quý! Giản dị và hồn nhiên như vậy đấy.
Nhiều người thường truyền nhau câu chuyện ấy của chị Ty, truyền nhau cả cái tính cách mạnh mẽ, kỷ luật như người Đức đã nói là làm của chị. Nhưng chị còn được biết đến tính hài hước, hóm hỉnh rất có duyên. Trên xe đến trang trại tại Thuận Thành - Bắc Ninh, chị Ty nhận “vai trò” làm “hướng dẫn viên” và những câu chuyện hóm hỉnh của chị khiến mọi người cười ngả nghiêng không ngớt. Tự nhiên, ai cũng thấy mình trẻ trung sinh động hơn nhiều… Nhưng câu chuyện mà chị chia sẻ về đất nước Israel mà chị có dịp sang thăm để lại dấu ấn đặc biệt với nhiều người.
Chị say sưa kể về đất nước và dân tộc vĩ đại ấy mà chị có dịp đi từ Đông sang Tây, ở lại vài ngày tại nhà một người Israel để hiểu thấu đáo hơn về họ. Chị cho rằng thêm một lần thấu hiểu sự thành công của họ đến từ: tính liên kết trong cộng đồng rất cao, sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác và chuyên môn hóa từng khâu rất rành mạch, ăn chia rõ ràng minh bạch... Đặc biệt là tinh thần làm việc, lòng yêu lao động, đến mức cảm thấy nhu cầu đầu tiên của con người sinh ra là để lao động và được chết trong lúc làm việc! Người giàu tình nguyện bỏ tới 10-20% lợi nhuận để giúp đỡ cộng đồng. Một luật bất thành văn mà ai cũng tôn trọng. Là người đi rất nhiều nơi trên thế giới nhưng chị bảo Israel là đất nước đặc biệt nhất khi mỗi người đều có thể là một doanh nhân tính toán kinh doanh một cách hiệu quả và tiết kiệm. Chị đã ở ngôi làng có mô hình xã hội chủ nghĩa mà mỗi sáng thứ 7 người ta vui vẻ tự nguyện lao động công ích như dọn dẹp, trồng cây đầy hăng say.
Rồi chị tỉ mỉ kể rằng những nông trại chị đến thăm với 200 ha (120 ha bơ, 80 ha cam) mà chỉ có... 4 người làm! “Từng giọt nước tưới, từng mẩu đất cũng được tính toán chi tiết”.
Câu chuyện dường như chưa có hồi kết với những điều tâm huyết, những chia sẻ đầy hào hứng của chị thì xe đã dừng lại. Gió mang ùa đến mùi thơm hăng hăng dìu dịu.
Cơ ngơi của chị trải rộng ngay trước mắt. Thay giầy dép, đội mũ, mặc áo choàng trắng… chúng tôi bước vào căn phòng lạnh, đóng gói sản phẩm. Những người phụ nữ mê mải xếp từng lớp lá tía tô xanh, thoăn thoắt gọn gàng. Anh Bằng – Giám đốc dẫn chúng tôi đến thăm từng khu vực, giới thiệu với đoàn kỹ thuật thu hoạch xử lý và đóng gói. Hóa ra mỗi chiếc lá ở đây được chăm sóc chu đáo đến mức giờ hái lá cũng được quy định cụ thể sao cho giờ ấy chiếc lá hấp thu được những gì tốt nhất từ thiên nhiên. Những sợi dây chun buộc lá cũng được cung cấp theo tiêu chuẩn riêng. Từng tệp lá xếp lớp lang trong hộp nhựa trắng đẹp như những xấp hoa xanh… Nhưng phải ra đến ruộng thì chúng tôi mới hiểu hết sự chăm sóc đặc biệt và chuyên nghiệp thế nào cho những chiếc lá đặt lên bàn ăn ở xứ xở mặt trời mọc ấy. Đất trang trại để không 6-7 năm (vừa cho đất nghỉ vừa làm sạch đất) nguồn nước tưới lấy ngay tại ao trong trang trại, không lấy ở ngoài. Rồi cách chăm sóc cây (trồng trong nhà bạt) với tưới tắm, phun thuốc… đúng theo quy định nghiêm ngặt do những chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn tỉ mỉ… Thế mới biết làm nông nghiệp công nghệ cao không thể à uôm, không thể theo kiểu thói quen được. Nhất nhất phải tuân theo quy định rất “quy chuẩn”.
Chị Ty ngắt luôn một nhánh tía tô xanh đưa lên ăn ngon lành. Tôi cũng làm theo và nhận thấy dường như đang nạp vào cơ thể tất cả mùi thơm hăng thật dễ chịu. Nghe chị Ty kể người Nhật chuộng lá tía tô xanh này vì nó có chất chống lại chất phóng xạ… Cũng nghe kể những chuyên gia ở JETRO và từ mấy công ty Nhật sang đây đều “ngả mũ” trước trang trại này của chị… Anh Hoàng Quang Phòng – phó Chủ tịch VCCI cho rằng – cách đi của chị Ty đầy chuyên nghiệp, mang một tầm nhìn xa và mong các doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như DN của chị cần chia sẻ với nhau để cùng phát triển…
Ai đó thì đùa - với giá 7.000 đồng một lá thế này thì chị Ty quả thật “đếm lá lấy tiền”… Chị Ty trả lời rất nhanh “Rằng trông thì thế thật nhưng mà chủ đầu tư quả thực… chửa có lời!” Tiếng cười vang trong không gian xanh lộng gió…
Chúng tôi còn đi thăm khu trồng nấm, trồng hoa lan của chị… Qủa là một vòng tròn khép kín, rất hợp lý. Chị chia sẻ, dự định sắp tới sẽ tận dụng thân tía tô và những lá không đủ tiêu chuẩn để chưng cất tinh dầu… Tôi thêm một lần cảm phục tinh thần khởi nghiệp không mệt mỏi của chị. Làm may, làm bất động sản, làm giáo dục (chị có trường Đại học Hùng Vương với gần 10.000 sinh viên) làm nông nghiệp (sắp tới lại có dự án trồng bơ tại Thanh Hóa hợp tác với Israel)… Qủa thật với người nữ anh hùng này năng lượng luôn tràn trề, lúc nào cũng đầy ý tưởng, dự định và “dừng lại có nghĩa là thụt lùi” như chị từng nói. Chẳng ai bảo chị ngoài sáu mươi tuổi vì sức sống trẻ trung, tư duy nhanh nhạy và sự dấn thân không biết mệt mỏi. Bởi dường như với chị - hạnh phúc chính là được làm việc và cống hiến.
Bữa trưa của chúng tôi đậm hương vị đồng quê, tôm sông, cá bống, chim trời… đặc biệt là bát canh tía tô xanh nóng hổi thơm hăng ấm nồng. Tất cả mọi người đều chúc mừng sự thành công của chị. Riêng tôi nghĩ - với chị Ty không phải chức danh Phó Tổng giám đốc tập đoàn dệt may VN mà chị từng đảm nhiệm, không phải chức danh Chủ tịch May Hồ Gươm và May Chiến Thắng hiện giờ chị đang gánh vác khiến người ta nhớ mà điều quan trọng nhất là tinh thần chiến binh, tinh thần “mãi mãi khởi nghiệp” của chị mới là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất mà chị dang truyền cho những thế hệ doanh nhân kế tiếp.
Bài viết: Thùy Dương
Thiết kế: Bùi Đức