Ô tô Trung Quốc loay hoay với bài toán lấy lòng khách Việt

Tái xuất thị trường Việt lần thứ hai, các mẫu ô tô Trung Quốc dường như vẫn chưa đạt được sự hài lòng từ phía người tiêu dùng tại Việt Nam. Phản ứng này tiếp tục là thách thức trong việc cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc trên thị trường Việt…

2-755.png

Những năm gần đây, thị trường ô tô Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế cùng sự cạnh tranh gay gắt. Trong số các quốc gia bước chân vào thị trường Việt, Trung Quốc là một cái tên nổi bật nhưng đã vấp phải nhiều thất bại trong quá khứ.

Lần trở lại này, ô tô Trung Quốc tái xuất mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, để chinh phục được người tiêu dùng Việt, không chỉ cần sản phẩm chất lượng mà còn cần có chiến lược tiếp thị và dịch vụ hậu mãi tốt. Đây là một thách thức lớn đối với các thương hiệu Trung Quốc.

TÁI XUẤT SAU QUÁ KHỨ THẤT BẠI

Gọi sự ồ ạt tràn vào thị trường của xe Trung Quốc trong thời gian gần đây là sự tái xuất bởi, trước đây đã từng có một giai đoạn khá dài các thương hiệu xe Trung Quốc xâm nhập dần vào Việt Nam.

Gần 15 năm trước, khởi đầu là năm 2006, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến một cuộc đổ bộ ồ ạt của các hãng xe phương Bắc. Đó là một giai đoạn đầy thách thức và cũng là bài học quý báu cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Mở đầu cho cuộc thâm nhập là sự xuất hiện của hãng Lifan, họ hợp tác với công ty Bảo Toàn để đưa mẫu sedan Lifan 520 vào thị trường Việt Nam. Đây là bước đi mạo hiểm nhưng đầy tiềm năng, mở ra cánh cửa cho các thương hiệu ô tô Trung Quốc khác.

Các năm sau đó, Chery, BYD và Haima cũng không ngần ngại khi tiếp cận thị trường Việt. Chery mang đến những mẫu xe nhỏ gọn như Chery QQ3 và Riich M1 vào năm 2009, trong khi BYD chọn bán mẫu F0 vào năm 2010. Haima lại đi sâu vào thị trường với dải sản phẩm đa dạng, từ Haima 2, New Haima 3, Haima 7 đến Haima Freema vào năm 2011.

Thế nhưng, cuộc xâm nhập này không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng đến việc thích ứng với yêu cầu và mong muốn của người dùng Việt.

Một vài lý do lý giải cho sự thất bại này có thể kể đến như chất lượng sản phẩm không đáp ứng được, dịch vụ hậu mãi kém chất lượng và thiếu đi sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng.

3-5376.png

Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường ô tô Việt đang chứng kiến một cuộc tái xuất đầy bất ngờ từ các thương hiệu xe Trung. Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt thương hiệu ô tô phương bắc có những động thái quay trở lại Việt Nam, tạo nên một làn sóng ô tô mới với quy mô và chiến lược bài bản hơn.

Ngọn sóng đầu của sự tái xuất này bắt đầu từ nửa cuối năm 2020, khi thương hiệu MG trở lại thị trường Việt Nam. Ngay sau đó, Beijing cũng tham gia “cuộc chơi” bằng việc mở bán mẫu SUV, crossover cỡ trung Beijing X7. Không chỉ có Beijing, Hongqi cũng không muốn bị bỏ lại, hãng này đặt chân đến Việt Nam với hai mẫu xe định vị ở nhóm xe sang, gồm Hongqi H9 và E-HS9.

Tuy nhiên, làn sóng mới của xe Trung Quốc thực sự dâng mạnh ở giai đoạn cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 khi một loạt tên tuổi mới bắt đầu xuất hiện. Trong vòng nửa cuối năm 2023, thị trường Việt liên tục chào đón đến 4 thương hiệu xe từ xứ Trung như Wuling, Haval, Lynk&Co và Haima.

Cuộc đổ bộ này vẫn chưa dừng lại, các ông lớn như Chery hay BYD, mặc dù chưa chính thức mở bán, nhưng đã vào tâm thế sẵn sàng gia nhập thị trường. Hơn thế, GAC Aion, một trong những “kỳ lân” của ô tô Trung Quốc cũng đã mở đại lý tại TP.HCM.

Cơn bão xe Trung diễn ra trong thời điểm hiện tại mang lại nhiều hy vọng hơn, khi trong vòng chưa đầy 4 năm, đã có tới hơn 10 thương hiệu ô tô Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt.

NGƯỜI DÙNG VIỆT VẪN HOÀI NGHI

Ô tô Trung Quốc đã và đang tạo ra một làn sóng mới và các thương hiệu xe phương bắc có thể thành công hay không phụ thuộc vào khả năng thích ứng của họ với những yêu cầu và mong muốn của người dùng Việt. Đó chính là yếu tố quyết định liệu lịch sử thất bại có lặp lại hay không.

Các thương hiệu ô tô xứ Trung đã rút ra được bài học từ quãng thời gian trước đó và có ít nhiều thay đổi so với trước đây bằng việc cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ để tái chiếm lòng tin của người tiêu dùng.

BYD, Chery, Haval hay MG hiện đã trở thành những tên tuổi mang biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trong khi đó, các thương hiệu như Beijing, Hongqi, Wuling, Lynk&Co hay Haima, mặc dù tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nhưng đang không ngừng vươn ra các thị trường lân cận.

Trong quá khứ, các hãng xe Trung Quốc “cưỡi ngựa xem hoa” khi tiếp cận thị trường Việt, chủ yếu tập trung vào việc tìm đối tác phân phối mà quên đi những yếu tố hút khách khác.

Hiện, nhiều “ông lớn” xe Trung đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm gắn bó lâu dài hơn với thị trường, mà còn giúp cải thiện hạ tầng và dịch vụ hậu mãi, từ đó tạo ra sự tin cậy và ổn định cho khách hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khó có thể phủ nhận tiềm năng cũng như triển vọng của những hãng xe đến từ thị trường láng giềng trong lần tái xuất này.

1-4767.jpeg

Mặc dù có những tiến bộ đáng kể, nhưng không thể phủ nhận rằng việc chinh phục thị trường ô tô Việt Nam vẫn là một nhiệm vụ không dễ dàng. Khách hàng Việt khá khó tính và yêu cầu cao về chất lượng, dịch vụ cũng như giá cả. Hơn nữa, người dùng Việt vẫn còn “khắc sâu trong tâm trí” những trải nghiệm không tốt từ các thương hiệu Trung Quốc trong quá khứ.

Một báo cáo của J.D.Power mới đây là một “cú sốc” đối với ngành xe điện tại Trung Quốc khi chỉ ra rằng cứ 100 chiếc xe điện Trung Quốc mới được bán ra, có tới 210 lỗi được phát hiện.

Vấn đề nằm ở việc các hãng xe Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ phát triển và ra mắt sản phẩm mà không đảm bảo qua các quy trình kiểm tra và thử nghiệm kỹ càng.

Thị trường Việt, đối với các mẫu xe động cơ đốt trong, người dùng vẫn đánh giá cao về khả năng vận hành ổn định của nhiều mẫu xe đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Còn lại, bài toán kinh doanh của các hãng xe điện Trung Quốc cũng rất nan giải. Bên cạnh việc người Việt không đủ độ tin cậy thì hệ thống hạ tầng các trạm sạc tại Việt Nam là một yếu tố hạn chế. Người tiêu dùng Việt vẫn đầy hoài nghi và chưa thực sự sẵn sàng chào đón xe Trung.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Thị trường ôtô Việt Nam đang bùng nổ với xu hướng điện hóa, đặc biệt là sự ra đời của xe hybrid và xe thuần điện, hứa hẹn một tương lai bền vững và đổi mới cho ngành ô tô Việt…