“Ông lớn” DIC Corp bị phạt và truy thu thuế

Tổng Cục thuế vừa ra quyết định xử phạt vi phạm về thuế đối với Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG) với tổng số tiền truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế l
“Ông lớn” DIC Corp bị phạt và truy thu thuế

Theo đó, công ty bị phạt gần 1,7 tỉ đồng do khai sai dẫn đến thiếu gần 10,6 tỉ đồng tiền thuế. Về biện pháp khắc phục hậu quả, Tổng Cục thuế quyết định truy thu toàn bộ số tiền thuế bị thiếu gồm 415 triệu đồng thuế giá trị gia tăng, 7,9 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và 2,3 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính 1%.

Ngoài ra, công ty phải nộp số tiền chậm nộp thuế tính đến hết ngày 19/2/2019 là 1,1 tỉ đồng. DIC Corp có nghĩa vụ tự tính số tiền chậm nộp kể từ sau ngày 19/2 đến ngày nộp đủ số thuế đã thiếu vào Ngân sách Nhà nước.

Trong vòng 10 ngày từ thời điểm nhận được quyết định, công ty phải nộp đầy đủ số tiền này vào Ngân sách Nhà nước, nếu chậm sẽ phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo tài chính năm 2018, DIC Corp ghi nhận doanh thu 2.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 333 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 324 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DIG không có quá nhiều biến động từ đầu năm tới nay hiện đang giao dịch tại mức giá 15.000 đồng/cp.

Hồi cuối tháng 2/2019, ông Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch HĐQT công ty đã có thông báo đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu DIG để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ 1/3 đến 29/3/2019.

Tuy nhiên, trong một thông báo mới đây, ông Tuấn cho biết đã không mua vào lượng cổ phiếu nói trên trong thời gian đã đăng ký. Hiện tại ông Tuấn đang là cổ đông lớn sở hữu hơn 15,5 triệu cổ phiếu DIG tương ứng 6,14% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.

DIC Corp cũng vừa thực hiện chi tạm ứng cổ tức năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 7% đồng thời chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2019.

Với gần 252,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, DIC Corp sẽ chi khoảng 177 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty.

Không chỉ DIC Corp, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng nhận được quyết định xử phạt và truy thu thuế với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.

Mới đây nhất, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định số 369/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) do công ty này đã kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2017.

Theo đó, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp tiền thuế của Đường Quảng Ngãi lên tới gần 3,6 tỷ đồng.

Trước đó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) cũng  nhận được quyết định của Cục Thuế tỉnh Gia Lai về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời kỳ thanh tra năm 2013. Mức phạt khai thiếu thuế 20% là gần 1,15 tỉ đồng.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, HAGL sẽ phải nộp số tiền thuế truy thu là hơn 5,73 tỉ đồng. Trong đó thuế giá trị gia tăng là 3,61 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1,93 tỉ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 195 triệu đồng. Số tiền chậm nộp thuế của DN được Cục Thuế tỉnh Gia Lai xác định là là gần 4,12 tỉ đồng.

Ngoài ra DN phải nộp tiền điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào chuyển kỳ sau là 1,4 tỉ đồng.  Tổng cộng, công ty này sẽ phải nộp về Kho bạc Nhà nước số tiền phạt và khắc phục hậu quả 11 tỉ đồng.

Qua công tác thanh tra đối với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng bị cơ quan thuế truy thu hơn 7,6 tỷ đồng tiền thuế. Số này chủ yếu bao gồm các khoản truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp gần 3,9 tỷ; thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp nhà thầu nước ngoài hơn 2 tỷ đồng; truy thu thuế thu nhập cá nhân gần 1,4 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng bị truy thu thêm gần 300 triệu đồng.

Cùng với đó, nhà băng này cũng bị phạt hơn 2,2 tỷ đồng do có hành vi vi phạm hành chính về thuế và số tiền chậm nộp thuế là gần 1,3 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền thuế mà ngân hàng này bị phạt và truy thu lên tới hơn 11,1 tỷ đồng.

Gây ồn ào nhất có thể phải kể đến, 66 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng từ năm 2015 đến nay của Tập đoàn FLC. 

Tổng số tiền bị cưỡng chế trong giai đoạn này hơn 160 tỷ đồng, trong đó nguyên nhân chính là Tập đoàn FLC nợ tiền thuế và tiền chậm nộp quá 90 ngày từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.

Về thông tin này, Tập đoàn FLC cũng đã rất nhanh chóng có văn bản gửi HoSE cho biết, "Tất cả các quyết định cưỡng chế thuế nói trên đã được Tập đoàn FLC nghiêm chỉnh chấp hành kịp thời, đầy đủ toàn bộ nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý ngay sau thời điểm nhận được các quyết định cưỡng chế".

 >> Hoàng Anh Gia Lai bị phạt, truy thu thuế 11 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm