Sáng ngày 17/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Đại hội có sự tham gia của hơn 1000 cổ đông đại diện cho 64,5% cổ phần có quyền biểu quyết của tập đoàn. Đây là lần đầu tiên số lượng cổ đông của công ty đạt kỷ lục gần 194.000 cổ đông và đông nhất trong các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
ĐẦU TƯ NHÀ MÁY SẢN XUẤT THÉP CÔNG NGHỆ CAO 14.000 TỶ
Phiên họp đại hội nhanh chóng đi vào phần thảo luận với rất nhiều câu hỏi được các cổ đông đặt ra cho ban quản trị tập đoàn. Đại diện ban lãnh đạo, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát trả lời cổ đông những thắc mắc xoay quanh lĩnh vực đầu tư cho các dự án đường sắt trong nước.
Phần đông các cổ đông thắc mắc rằng hiện Tập đoàn Hòa Phát đã được Chính phủ giao thực hiện các dự án trọng điểm nào và sự chuẩn bị của tập đoàn nhằm đáp ứng những yêu cầu này trong tương lại.
Trả lời cổ đông, ông Trần Đình Long cho biết, Tập đoàn Hòa Phát đã được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia các dự án trọng điểm quốc gia. Đối với các dự án như Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, dự án đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng… Hòa Phát sẵn sàng tham gia vào khâu làm đường ray và cung cấp nguyên vật liệu để sản xuất các thiết bị đầu tàu, phanh lốp…
Dựa trên cơ sở năng lực hiện có, tập đoàn đã quyết định triển khai dự án sản xuất đường ray tại Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với quy mô đầu tư 14.000 tỷ đồng.
“Ray thép là loại sắt thép khó sản xuất, đòi hỏi công nghệ rất cao, chúng tôi quyết tâm có thể sớm sản xuất được loại sắt thép mới này. Khi đã hoàn thành việc sản xuất, Hòa Phát sẽ chính thức cam kết với Chính phủ về việc sản xuất ray cao cấp phục vụ các dự án. Hòa Phát sẽ sẵn sàng tham gia các dự án về đường sắt trong nước” ông Long khẳng định. Theo kế hoạch, lễ động thổ sẽ diễn ra trong tháng 5 tới và đơn hàng ray thép đầu tiên dự kiến có thể xuất xưởng vào tháng 5/2027.
Với các dự án đường sắt kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, Chủ tịch Hòa Phát cho biết cần xem xét kỹ từng đề án cụ thể trước khi quyết định tham gia.
Đáng chú ý, ông Trần Đình Long cũng chia sẻ một tín hiệu tích cực là Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ nghị định quy định cơ chế giao dự án và nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp nội địa, trong đó có Hòa Phát.
Hoạt động kinh doanh bất động sản của tập đoàn đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cũng được cổ đông rất quan tâm.
Về lĩnh vực này, ông Long nhấn mạnh chiến lược xuyên suốt của tập đoàn là không để lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hoạt động. “Bao giờ chúng tôi cũng để tỷ trọng bất động sản ở mức 5-6% để hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ biến động thị trường”, ông nói.
Tất cả các mảng bất động sản, từ nhà ở, khu công nghiệp cho đến nghỉ dưỡng… hiện chiếm chưa đến 5% tỷ trọng hoạt động của tập đoàn.
Hiện nay, Hòa Phát đang thí điểm dự án nhà ở xã hội tại Yên Mỹ (Hưng Yên). Theo vị lãnh đạo, dù lợi nhuận không cao, nhưng đây là mô hình đầu tư tiềm năng và “chắc chắn và tốt”.
Ông Long cũng tiết lộ thông tin đáng chú ý rằng Hòa Phát vừa được giao một khu đất lớn, có thể nói là “mảnh đất cuối cùng ở Việt Nam” đủ điều kiện để xây dựng nhà máy thép. Khu đất có quy mô 500 ha, mặt hướng ra biển, hiện tập đoàn đang lên kế hoạch đầu tư bài bản tại đây.
CAM KẾT CHIA CỔ TỨC TIỀN MẶT TỪ NĂM 2026
Nhận định tầm quan trọng và mức độ quan tâm của cổ đông về vấn chia cổ tức, ngay từ đầu phần thảo luận, ông Trần Đình Long đã chia sẻ với toàn thể đại hội rằng, năm 2025 dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn, đối mặt với những căng thẳng thương mại toàn cầu, lãnh đạo tập đoàn đã đưa ra quyết định tạm dừng chia cổ tức bằng tiền mặt. “Đây là quyết định khó khăn, nhưng cần thiết để bảo vệ nguồn lực tài chính trong bối cảnh bất định, rất mong các cổ đông cảm thông và chia sẻ với khó khăn của tập đoàn”, ông Long bày tỏ.
Dù dừng chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định đây không phải là tiền lệ và nếu tình hình ổn định trở lại, từ năm 2026, doanh nghiệp sẽ nối lại truyền thống chi trả cổ tức tiền mặt – yếu tố được ông Long đánh giá là "một phần bản sắc quốc dân, lịch sử của Hòa Phát".
Trước đó, một trong những nội dung được chú ý nhất tại đại hội là việc Hòa Phát điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2024. Theo kế hoạch ban đầu, doanh nghiệp dự kiến chia 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Tuy nhiên, ngay trước thềm đại hội, ban lãnh đạo đã đề xuất điều chỉnh toàn bộ sang cổ phiếu với tỷ lệ 20%, đồng nghĩa với việc cổ đông sẽ không nhận cổ tức tiền mặt trong năm nay. Như vậy, đây là năm thứ ba Hòa Phát không chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.
Cũng liên quan đến vấn đề đối diện với khó khăn kinh tế, nhiều cổ đông bày tỏ quan ngại, liệu rằng kế hoạch kinh doanh năm 2025 được tập đoàn đề ra có quá sức và không thể hoàn thành. Trong trường hợp phải đối diện với những trường hợp xấu nhất, tập đoàn có giảm mục tiêu kinh doanh?
Giải đáp quan ngại của cổ đông, ông Trần Đình Long liên tục khẳng định, dù kế hoạch năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng tăng 21% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế dự kiến là 15.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm trước được đánh giá là khá tham vọng.
Nhưng trước những sự chuẩn bị của ban lãnh đạo tập đoàn và tiềm lực hiện có, Hòa Phát quyết tâm không giảm kế hoạch kinh doanh. “Mạnh dạn xây dựng kế hoạch kinh doanh 2025 và trong 3 quý còn lại, chúng ta phải đạt 4000 tỷ lợi nhuận, điều này rất khó khăn nhưng Hòa Phát quyết tâm không điều chỉnh kế hoạch năm 2025”, Chủ tịch Hòa Phát thể hiện quyết tâm.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Hòa Phát cũng thể hiện tâm thế sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thậm chí là những chính sách thuế quan của Mỹ, mọi phương án được chuẩn bị để đón nhận những tình huống xấu nhất.
Đối với quan hệ hợp tác trong nước, Hòa Phát sẵn sàng “cạnh tranh” với các đối thủ trong ngành trong cả lĩnh vực sản xuất thép và nông nghiệp bởi những tiềm năng vốn có. Cùng với đó, Hòa Phát luôn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để thực hiện các nhiệm vụ quốc gia. Định hướng chiến lược lâu dài, Hòa Phát đang liên tục đầu tư, nghiên cứu tham gia vào lĩnh vực thép chất lượng cao: thép ray, phanh lốp ô tô, thép chế tạo… nâng cao chất lượng sản phẩm.