Ông lớn thống trị thị trường: Đi ô tô ngày càng tốn kém?

Theo các đề xuất quy định mới, kinh doanh ô tô sẽ bị siết chặt, ngay cả xe chở khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng, xe tải, xe cũ, mới nhập khẩu, xe lắp ráp trong nước... đều phải có ủy quyền chín
Ông lớn thống trị thị trường: Đi ô tô ngày càng tốn kém?

Điều này khiến DN nhỏ khó 'có cửa', thị trường sẽ bị các tập đoàn lớn thâu tóm. Nguy cơ xài xế hộp ngày càng tốn kém là thấy rõ.

Bỏ giấy phép con, thêm hàng rào kỹ thuật

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT, ngày 18/8/2016, Bộ Công Thương thừa nhận: Thông tư 20 chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.

Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác, trong khi rủi ro gây mất an toàn và rủi ro xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Không những thế, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước. Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển...

Nên thực tế, đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ, hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20, tiếp tục coi thường người tiêu dùng nói riêng và an toàn của toàn xã hội nói chung. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất.

Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ Giao thông Vận tải, và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu. Các tiêu cực dạng này không thể khắc phục được bằng Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng, chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước, mà cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện.

Theo đó, tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Với các phân tích trên, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Cuộc chơi trong tay ông lớn

Các DN cho biết, với đề xuất này, khi Thông tư 20 bị loại bỏ thì một quy định tương đương, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành, dành cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, sẽ được xây dựng.

Trao đổi với VietNamNet, 1 số DN kinh doanh ô tô cho biết, họ rất lo lắng, nếu các cơ quan chức năng sẽ xây dựng chính sách theo hướng: những thương hiệu ô tô nào có cơ sở dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, được chính hãng sản xuất ủy quyền tại Việt Nam, thì mới được nhập khẩu, lắp ráp và sản xuất ô tô của thương hiệu đó. Nếu thực hiện theo hướng này, các DN nhỏ nhập khẩu xe không chính hãng cũng khó có cửa, bởi hầu hết các thương hiệu xe chở người từ 16 chỗ trở xuống, hiện đã có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng ủy quyền tại Việt Nam.

Không những thế, những gara sửa chữa ô tô tư nhân hiện nay cũng có nguy cơ đóng cửa tất cả.Ví dụ như thương hiệu Toyota hiện đã có các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng ủy quyền cho Toyota Việt Nam, thì chỉ có Toyota Việt Nam mới được nhập khẩu, lắp ráp và sản xuất các loại xe mang thương hiệu Toyota, còn các DN khác thì không. Như vậy, kinh doanh ô tô sẽ bị siết chặt, ngay cả xe chở khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng, xe tải, xe cũ, mới nhập khẩu, xe lắp ráp trong nước...

DN đều phải có ủy quyền chính hãng về cơ sở dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, mới được kinh doanh. Như vậy, thị trường ô tô sẽ không tránh khỏi sự độc quyền của các thương hiệu và giá ô tô khó có khả năng giảm. Thậm chí phân khúc xe tải, xe chở người từ 10 chỗ trở lên, giá sẽ tăng. Vấn đề chính là do các DN kinh doanh phải xin được ủy quyền chính hãng về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.

Cùng với đó, chi phí để xây dựng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn chính hãng khá cao, trừ xe có xuất xứ từ Trung Quốc. Không những thế, để có được giấy ủy quyền này, chắc chắn nhiều mẫu xe sẽ bị chính hãng đẩy giá bán lên cho DN Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho cước phí vận tải tăng lên, tác động sâu rộng đến kinh tế xã hội.

Theo Trần Thủy/Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Thị trường ôtô Việt Nam đang bùng nổ với xu hướng điện hóa, đặc biệt là sự ra đời của xe hybrid và xe thuần điện, hứa hẹn một tương lai bền vững và đổi mới cho ngành ô tô Việt…