Peru, nơi đang phải chiến đấu với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới và đóng cửa trong suốt 5 tháng qua, đã phải đối mặt với một thảm kịch khác vào đêm qua (24/8) sau cái chết của 13 người, hầu hết là phụ nữ trẻ tuổi, trong một vụ giẫm đạp tại hộp đêm bất hợp pháp khi bị cảnh sát đột kích.
Thảm kịch hộp đêm, mà các nhà chức trách gọi là “ổ dịch Covid-19”, đã làm dấy lên căng thẳng ở quốc gia 33 triệu dân - nơi có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao gần nhất thế giới với 28.000 người chết vì đại dịch.
Các ca nhiễm bệnh ở Peru hiện đang gia tăng trở lại trong làn sóng dịch bệnh thứ hai với tổng số gần 600.000 ca, cao thứ 6 trên thế giới. Với Mỹ Latin là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu, các quốc gia khu vực đang phải vật lộn với việc làm thế nào để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh khi dần nới lỏng các hạn chế xã hội.
Các cuộc đột kích của cảnh sát nhằm vào hộp đêm, quán bar mở cửa bất hợp pháp, nhằm thưc thi lệnh cấm có hiệu lực từ tháng Ba đối với các mô hình giải trí. Trong tháng này, chính phủ Peru đã thắt chặt hơn nữa các quy định về các cuộc tụ họp xã hội.
Geraldine Sanchez, người đã có mặt tại hộp đêm với em gái chỉ vài giờ trước khi vụ việc xảy ra, chia sẻ với Reuters TV rằng họ chỉ định ở lại hộp đêm một chút và ra về. Nhưng cô em gái 24 tuổi của Geraldine đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp.
“Cảm ơn Chúa tôi đã may mắn sống sót. Nếu không, tôi có thể đã chết ngạt và bỏ mạng tại đó như em gái mình,” Geraldine nói với Reuters trước cửa nhà xác trong khi tìm kiếm thông tin về thi thể của em gái. “Những quả bom hơi cay đã được bắn ra và tất cả trở nên hoảng loạn.”
Chính phủ Peru đã phủ nhận việc cảnh sát sử dụng hơi cay hoặc vũ khí trong cuộc đột kích dựa trên điều sơ bộ ban đầu.
Chủ sở hữu hộp đêm và nhóm tham gia đã bị bắt hoặc giam giữ, trong đó nhiều người đã có kết quả dương tính với Covid-19, chính phủ Peru cho biết.
Ổ dịch lây nhiễm Covid-19
Các nhà chức trách Peru nhận xét: “Những bữa tiệc được tổ chức bất hợp pháp tại các hộp đêm chính là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19 nguy hiểm nhất”. Cảnh sát tiết lộ, 11 người trong số 13 nạn nhân đều dương tính với Covid-19, cũng như 15 trong số 23 người đang bị giam giữ.
Claudio Ramirez, một quan chức Bộ Y tế Peru chia sẻ với phóng viên sau khi thực hiện các xét nghiệm nhanh đối với những người tham gia bữa tiệc: “Với một lượng lớn virus vốn có trong cơ thể người và môi trường khép kín, hộp đêm chính là một môi trường ‘thuận lợi’ để virus sinh sôi và lây lan.”
Một số hình ảnh trên mạng XH cho thấy cảnh sát và nhân viên y tế phải dùng búa đập vào cửa để giải cứu các nạn nhân. Dọc cầu thang đi vào la liệt giày dép, chai vỡ và khẩu trang.
“Hộp đêm này không có giấy phép hoạt động từ năm 2016. Chúng tôi cũng không hiểu họ đã hoạt động ‘chui lủi’ như thế nào,” nghị viên Javier Sulca của thành phố Los Olivos nói với các phóng viên.
Peru là một trong những nước đầu tiên trong khu vực áp dụng lệnh cấm nghiêm ngặt, nhưng điều này đã không thể làm châm sự lây lan của virus, đồng thời lại tác động lên nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào khai thác mỏ - đã giảm 30% trong quý II năm nay - nằm trong nhóm có mức giảm sâu nhất trên thế giới.
Thảm kịch hộp đêm đã mở ra một luồng chỉ trích khác đối với việc chính phủ nước này xử lý đại dịch. Trên mạng XH, nhiều ý kiến trách móc ý thức của những người đã tới hộp đêm, trong khi một số khác lại kêu gọi điều tra lại hành động của cảnh sát trong đêm đó.
Marcel Velazquez, một giáo sư lịch sử và văn học người Peru đã viết trên Twitter: “Đổ lỗi cho những người trẻ bồng bột đã đến tham dự hộp đêm là đánh mất sự đồng cảm xã hội. Một số nạn nhân bằng tuổi con gái tôi, tôi có thể hoàn toàn hiểu được nỗi đau của bậc cha mẹ khi phải đối mặt với thảm kịch này.”
Nguồn: Reuters