Petrolimex chào bán toàn bộ 443.500 cổ phiếu BMF với giá khởi điểm 36.600 đồng/cp

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chào bán toàn bộ cổ phiếu BMF đang nắm giữ với giá khởi điểm chuyển nhượng nhượng là 36.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 46% so với thị giá BMF tại ngày 17/10 là 25.000 đồng/cp.
Petrolimex chào bán toàn bộ 443.500 cổ phiếu BMF với giá khởi điểm 36.600 đồng/cp

Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) vừa phê duyệt phương án chào bán toàn bộ 443.500 cổ phiếu BMF mà tập đoàn đang nắm giữ tại CTCP Vật liệu Xây dựng và Chất đốt Đồng Nai, tương đương 10,66% vốn điều lệ của Công ty BMF.

Theo đó, giá khởi điểm chuyển nhượng là 36.600 đồng/cổ phiếu, được chào bán ra công chúng thông qua hình thức đấu giá công khai trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Với mức giá này, ước tính Petrolimex có thể thu về ít nhất 16,2 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng BMF.

Về cổ phiếu BMF, chốt phiên 17/10 cổ phiếu này tạm dừng ở 25.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản hầu như không có.

Theo giới thiệu, Công ty BMF được cổ phần hóa năm 2003 và được giao dịch trên UPCoM từ tháng 4/2018. Công ty chuyên về bán lẻ xăng dầu, nhớt, các chất bôi trơn và khí dầu mỏ hóa lỏng, chất đốt. Trụ sở được đặt tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Nguyễn Thanh Hoa (được bổ nhiệm tháng 6/2021).

Tại cuối năm 2021, vốn điều lệ của BMF gần 41,6 tỷ đồng, trong đó phần lớn thuộc về các cổ đông cá nhân: Nguyễn Văn Chi (22,19%), Nguyễn Thế Hùng (14,43%), Vũ Thị Mai Phương (14,43%) và Ngô Dạ Ngân (15,66%). Còn Petrolimex nắm giữ 10,66% vốn điều lệ, giảm so với tỷ lệ 21,32% tại thời điểm BMF công bố bản cáo bạch 3/2018.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2018 - 2020, doanh thu thuần của BMF dao động trên dưới 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Sang năm 2021, doanh thu thuần đạt 2.658 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước đó nhờ doanh thu bán hàng hóa tăng. Do giá vốn hàng bán lớn (chiếm 97% doanh thu) và các chi phí hoạt động nên lợi nhuận sau thuế của BMF còn 19 tỷ đồng, tương đương với mức trung bình các năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế lũy kế tính đến cuối năm ngoái là 76,3 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BMF vào mức 287 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu năm, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn gần 173 tỷ, gấp 2,4 lần ngày đầu năm. Nợ phải trả của BMF hầu hết đến từ đi vay ngắn hạn với số tiền 123 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 150 tỷ đồng.

Sang năm 2022, BMF kỳ vọng doanh thu thuần sẽ đạt 4.362 tỷ đồng, lãi sau thuế 24 tỷ, lần lượt tăng 64% và tăng 25% so với năm 2021.

Có thể bạn quan tâm