Hầu hết ở các nước Đông Nam Á đều quan niệm rằng, tốt nhất hãy kết hôn khi còn trẻ. Cũng theo những chuẩn mực đó, tình trạng độc thân thường gắn liền với sự cô đơn, bất hạnh. Những người phản đối lối sống độc thân còn cho rằng việc độc thân là quá ưu tiên bản thân mình và không sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong cuộc sống gia đình.
Theo cuộc điều tra dân số gần đây nhất, số người chưa kết hôn ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 49 đạt 134 triệu vào năm 2020. Đất nước tỷ dân này đã phản ứng bằng cách chi mạnh tay để giải quyết các thách thức về dân số cũng như tạo ra nơi làm việc và môi trường xã hội bình đẳng hơn, giảm bớt những bất an mà giới trẻ phải đối mặt. Hiệu quả của các chính sách vẫn chưa khắc phục được nhiều cho đến nay.
Đặc biệt, trong số những người độc thân từ 35 đến 49 tuổi, tỷ lệ chưa kết hôn ở nam giới cao nhất ở nhóm tiểu học đổ xuống, nhưng đối với phụ nữ nó lại đạt đỉnh ở những người có trình độ học vấn sau đại học trở lên.
Sự mất cân bằng giới tính này đã dẫn đến tình trạng kết hôn thấp vì rất nhiều người không thể tìm được bạn đời, ngay cả khi họ muốn kết hôn. Trong số những người nông thôn Trung Quốc từ 20 đến 49 tuổi có trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống, theo thống kê cho thấy tỷ lệ đáng kinh ngạc là 474,5 nam giới chưa kết hôn trên 100 phụ nữ chưa kết hôn. Ngược lại, trong số những người thành thị chưa lập gia đình từ 35 đến 49 tuổi có bằng cử nhân trở lên, chỉ có 97,7 nam trên 100 nữ.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người độc thân đều do hoàn cảnh. Nhiều người chọn lối sống độc thân sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn của mình. Đặc biệt, đối với phụ nữ độc thân, sự bất bình đẳng giới đã từng xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của họ, khiến họ có quan điểm rằng kết hôn sớm là rủi ro. Từ đó dẫn đến việc phụ nữ muốn trì hoãn hoặc hoàn toàn tránh xa việc kết hôn.
Một lượng lớn thanh niên Trung Quốc độc thân có thái độ cởi mở với hôn nhân. Nhưng điều này lại một bài toán khó với nhiều người dù nam hay nữ, bởi những chuẩn mực về việc trước khi kết hôn phải có nhà có xe hay nhu cầu về bạn đời quá khắt khe. Ngoài ra, tính cạnh tranh trong công việc và tình trạng nhân viên thường xuyên phải tăng ca khiến giới trẻ không có thời gian yêu đương, hẹn hò.
Hiện tượng này giống như ở Nhật Bản và được các chuyên gia gọi là “trôi dạt vào cuộc sống độc thân”, điều này có nghĩa là việc sống độc thân thường là sản phẩm của hoàn cảnh chứ không phải là lựa chọn cá nhân.