Sabeco, Habeco, Vinamilk... kiếm "bộn tiền" từ gửi ngân hàng

Trong nửa đầu năm 2016, các “ông lớn” ngành sữa, bia rượu, thực phẩm, tôn thép, có nguồn thu nhập rất lớn, lên tới cả trăm tỷ đồng nhờ đem tiền gửi ngân hàng.
Sabeco, Habeco, Vinamilk... kiếm "bộn tiền" từ gửi ngân hàng

Thay vì đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh, dòng tiền “nhàn rỗi” tạm thời của doanh nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động huy động vốn ngắn hạn của các ngân hàng.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn trong nửa đầu năm nay vẫn tăng trưởng lạc quan, lợi nhuận đạt vượt con số 1.000 tỷ đồng. Do nguồn tiền dư dả, ổn định nhiều năm qua, một số doanh nghiệp đã đem hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng như một khoản đầu tư an toàn.
Không làm cũng có lãi trăm tỷ
Trên thị trường chứng khoán, công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) nhiều năm liền luôn có kết quả kinh doanh, lợi nhuận đáng mơ ước. Riêng nửa đầu năm 2016, doanh thu thuần của Vinamilk đạt hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm phần lớn, tới 96% là doanh thu từ bán thành phẩm, đạt 20.414 tỷ đồng, còn doanh thu bán hàng đạt 785 tỷ đồng, bán phế liệu 37,8 tỷ đồng…
Tại Vinamilk, một nguồn thu nhập đáng kể là từ hoạt động tài chính, trong 6 tháng đầu năm nay, đã đem về 385 tỷ đồng lãi tiền gửi (gồm cả hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính). Nhờ đó, lãi ròng 6 tháng đạt hơn 4.843 tỷ đồng…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng (soát xét), Vinamilk có lượng tiền gửi ngắn hạn hơn 7.876 tỷ đồng, thu về khoản tiền lãi hơn 206 tỷ đồng. Do đó, Vinamilk được mệnh danh là “vua tiền mặt” trên sàn.
Một “vua tiền mặt” cũng được nhắc tới là Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có tới 8.357 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền tại thời điểm 30/6/2016. Trong đó, có 166,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, và khoảng 8.190 tỷ đồng khoản tương đương tiền, tăng 1.866 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thuyết minh báo cáo cho biết, 8.190 tỷ đồng này là các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn gốc không quá 3 tháng với lãi suất 5,5% – 6,2%/năm, tức là tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng… Trong kỳ, Sabeco ghi nhận lãi tiền gửi khoảng 54 tỷ đồng song vẫn nằm ở mục Khoản phải thu khác…
Một số DN đã đem hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng như một khoản đầu tư an toàn.
Cùng ngành bia rượu, Tổng công ty CP Bia - rượu- NGK Hà Nội (Habeco) hiện cũng rất dư dả lượng tiền mặt trên sổ sách. Theo báo cáo, tại ngày 30/3/2016, lượng tiền của Habeco còn 1.852 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 2.121 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 79,7 tỷ đồng tiền mặt, 736,6 tỷ đồng tiền gửi ở ngân hàng không kỳ hạn, khoảng 1.115 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.
Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính giữ đến ngày đáo hạn của Habeco còn hơn 721 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn. Như vậy, lượng tiền gửi của doanh nghiệp này lên tới 2.573 tỷ đồng, vượt cả mức vốn điều lệ công ty (hiện chỉ có 2.318 tỷ đồng). Nhờ đó, Habeco có nguồn thu 13,6 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Khoản đầu tư an toàn?
Không hề kém cạnh, một số đại gia trong ngành thực phẩm cũng có nguồn tiền rất lớn từ hoạt động kinh doanh, bán hàng. Đơn cử, công ty CP tập đoàn Kido (Kido) có khoảng 88 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 1.938 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (tính đến ngày 30/6/2016). Theo báo cáo tài chính, Kido đã gửi ở ngân hàng 82,9 tỷ đồng và 3,8 tỷ đồng tiền gửi dưới 3 tháng, hưởng lãi suất từ 2,9-4%/năm…
Đáng chú ý, thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, Kido có lượng tiền gửi ngắn hạn hơn 1.935 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tại ngày 30/6/2016. Khoản tiền gửi này đã đem lại 64 tỷ đồng tiền lãi cho Kido. Số tiền gửi này được duy trì hàng năm trời và tăng thêm 35 tỷ đồng trong một năm qua.
Tương tự, tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cũng là doanh nghiệp có nguồn tiền mặt dư dả. Trong 6 tháng đầu năm nay, báo cáo ghi nhận khoản tương đương tiền lên tới 4.527 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn gốc từ 1-3 tháng gửi tại các ngân hàng thương mại. Đạm Phú Mỹ được hưởng mức lãi suất 4,3-5,5%/năm. Nhờ đó, công ty này đã thu được số lãi tiền gửi gần 157 tỷ đồng.
Chuyện các doanh nghiệp có lượng tiền dư dả, đem gửi ngân hàng lấy lãi diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây. Nguồn gốc tiền có thể từ bán hàng, thanh lý tài sản, tiền thu trước từ khách hàng, tiền đặt cọc… Nhưng cũng có trường hợp, doanh nghiệp bất động sản đi vay tiền ngân hàng để đầu tư dự án, cùng với vốn huy động sớm từ bán nhà “chui”, đã đem gửi ngân hàng.
Ở góc độ tài chính, dòng tiền luôn luân chuyển, đem gửi ngân hàng cũng là khoản đầu tư sinh lời, an toàn. Nửa đầu năm 2016, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng đã nhích nhẹ thêm từ 0,1-1%/năm. Thời điểm đầu quý II/2016, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động nhằm hút mạnh dòng tiền, đảm bảo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng “bùng nổ” vào cuối năm.
Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, việc các doanh nghiệp lớn duy trì lượng tiền gửi vào ngân hàng là một yếu tố hỗ trợ các nhà băng đảm bảo thanh khoản vốn kịp thời. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra rủi ro với doanh nghiệp đem tiền gửi ngân hàng nhưng thông qua đối tượng trung gian, có thoả thuận “đi đêm” lãi suất ngoài hợp đồng… dẫn tới bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền như vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như.

Theo Hải Hà/TBKD

Có thể bạn quan tâm