Tổng hợp báo cáo tài chính từ 28 ngân hàng, gồm 27 ngân hàng niêm yết và BaoViet Bank cho thấy lợi nhuận ngành này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý 3 so với cùng kỳ.
Riêng quý 3, các ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 70.143 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với quý 2 khi lợi nhuận đạt 76.100 tỷ đồng, hiệu quả kinh doanh quý 3 có dấu hiệu chững lại do biên lãi thuần (NIM) bắt đầu chịu áp lực từ chi phí huy động tăng cao. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của các ngân hàng đã đạt 218.345 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Theo đó, 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024 cũng hé lộ với nhiều cái tên quen thuộc là: Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, VietinBank, ACB, VPBank, HDBank, SHB, LPBank.
Tổng lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng này đạt hơn 176 nghìn tỷ đồng, chiếm đến hơn 80% tổng lợi nhuận của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đến hết quý 3/2024.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của Vietcombank, ngân hàng này đã mang 31.533 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm, tăng 7% so với cùng kỳ và thực hiện 75% kế hoạch cả năm (hơn 42.000 tỷ đồng). Xét riêng quý 3, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Với kết quả này Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng, song song với việc ngân hàng gần 80% chi phí dự phòng rủi ro.
Techcombank hiện là á quân toàn ngành và dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân về lợi nhuận. Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 22.842 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước. So với năm ngoái, Techcombank đã có bước tiến đáng kể về thứ hạng, khi vượt qua các “ông lớn” như BIDV, VietinBank và MB để thăng hạng từ Top 5 lên Top 2.
Ngân hàng BIDV xếp ở vị trí thứ 3 toàn ngành với lợi nhuận đạt 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng lợi nhuận của BIDV trong quý 3 phần lớn nhờ vào việc cắt giảm chi phí dự phòng.
MB tụt xuống hạng tư với lợi nhuận lũy kế đạt 20.736 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Dù thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của MB trong quý 3 vẫn tăng, chi phí hoạt động cùng chi phí dự phòng cao hơn đã khiến lợi nhuận gần như không tăng trưởng so với quý trước.
VietinBank giữ vị trí thứ 5 với lợi nhuận 9 tháng đầu năm là 19.513 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Ngân hàng này ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trong quý 3 nhờ thu nhập lãi thuần ổn định và các khoản thu nhập đột biến từ các nợ xấu đã được xử lý rủi ro.
Ngân hàng ACB giữ vững vị trí thứ 6 với lợi nhuận trước thuế đạt 15.335 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh vẫn đang đi đúng kế hoạch khi đã hoàn thành 70% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, VPBank đã bứt phá vươn lên đứng ở Top 7, cải thiện đáng kể so với vị trí thứ 10 cùng kỳ năm ngoái, đạt lợi nhuận trước thuế 13.861 tỷ đồng, tăng 67%. Đáng chú ý, công ty con FE Credit của VPBank đã có lãi trở lại trong quý 2 và quý 3, góp phần tích cực vào kết quả kinh doanh.
HDBank và SHB lần lượt ở vị trí Top 8 và Top 9 với lợi nhuận trước thuế đạt 12.655 tỷ đồng và 9.048 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 47% và 6% so với cùng kỳ.
LPBank xuất sắc thăng hạng lên Top 10 nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng và “đá” VIB khỏi danh sách 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất 9 tháng đầu năm. Lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 của LPBank đạt 2.899 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này đạt 8.818 tỷ đồng, tăng 139%, đánh dấu bước tiến từ Top 15 lên Top 10.
Trong số 28 ngân hàng, có 20 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3. Về giá trị tuyệt đối, Techcombank đứng đầu với mức tăng lợi nhuận hơn 5.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, theo sau là VPBank với 5.600 tỷ đồng và LPBank với 5.100 tỷ đồng.
Ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, đáng chú ý là VIB với mức giảm hơn 1.700 tỷ đồng và OCB giảm gần 1.400 tỷ đồng. Xét về tốc độ tăng trưởng, BVBank dẫn đầu với mức tăng 198%, tiếp đến là LPBank (139%) và VietBank (96%).
Nhìn chung, lợi nhuận các ngân hàng được hỗ trợ chủ yếu bởi thu nhập lãi thuần tăng nhờ biên lãi thuần (NIM) phục hồi, tăng trưởng tín dụng và chi phí dự phòng giảm. Tuy nhiên, các nguồn thu khác như ngoại hối và dịch vụ có mức tăng trưởng khiêm tốn hoặc giảm sút ở nhiều ngân hàng.
Đồng thời, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư không đạt được kết quả đột biến như cuối năm trước do lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm. Thu nhập từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro cũng chưa có dấu hiệu tăng tốc đáng kể.