Sau soát xét lợi nhuận của Vingroup đạt 3.487 tỷ đồng, hệ số nợ vay ở mức rất thấp

Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đạt 3.487 tỷ đồng và lãi sau thuế còn 1.065 tỷ đồng.
Sau soát xét lợi nhuận của Vingroup đạt 3.487 tỷ đồng, hệ số nợ vay ở mức rất thấp

Báo cáo soát xét cho thấy, kết quả kinh doanh của Vingroup có biến động đáng kể ở một số chỉ tiêu. Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong sáu tháng đầu năm 2022 đạt 31.613 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của công ty, doanh thu giảm chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao nhiều trong nửa sau của năm nay. Trong khi các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%, hay y tế và giáo dục tăng lần lượt 43,6% và 14% chủ yếu do các cơ sở đã hoạt động bình thường và khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vingroup đạt 3.487 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.065 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Vingroup đạt 528.958 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2021. Trong đó, hàng tồn kho tăng 61% lên 80.978 nghìn tỷ đồng do tăng chỉ tiêu Bất động sản để bán đang xây dựng liên quan đến dự án mới mở bán Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Các sản phẩm dự kiến được giao từ quý 3/2022, giúp hoàn thành mục tiêu đề ra ở mảng Bất động sản.

Xét về chỉ tiêu nợ, báo cáo soát xét cho thấy tổng Nợ phải trả của Vingroup tại ngày 30/6/2022 ghi nhận ở mức 396.914 tỷ đồng. Trong đó, tiền khách hàng và các đối tác trả trước để mua các sản phẩm của Tập đoàn, mà phần lớn là mua sản phẩm Bất động sản, đạt 134.106 tỷ đồng. Về bản chất đây là Doanh thu trong tương lai của Vinhomes.

Các khoản phải trả ngắn hạn khác nhưng chưa đến hạn thanh toán như nợ nhà cung cấp, thuế và các khoản chi phí xây dựng trích trước. Đây là các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động thường xuyên của Tập đoàn và về cơ bản là được cân đối với các khoản phải thu (hơn 111.816 tỷ đồng)

Tổng nợ vay (bao gồm vay ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng, trái phiếu) cuối kỳ là 166.588 tỷ đồng.

Ngoài ra, đến hết quý 2, tổng tiền mặt và tương đương tiền đạt 42.209 tỷ đồng. Như vậy, Nợ vay thuần (nợ vay sau khi trừ đi Tiền và tương đương tiền) trên tổng tài sản chỉ là 0,24 lần – là con số rất thấp.

Trong hoạt động Công nghệ – Công nghiệp, VinFast phối hợp với Vinhomes tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại các Đại đô thị Vinhomes trong tháng 7. Bên cạnh lái thử VF e34, lần đầu tiên, khách hàng Việt Nam được trải nghiệm và lái thử mẫu ô tô điện thông minh VF 8. Sự kiện đã thu hút gần 5 nghìn lượt lái thử. Ngày 15/7, VinFast chính thức dừng kinh doanh xe ô tô chạy xăng, và sẽ duy trì sản xuất để hoàn tất bàn giao xe cho các khách đã ký hợp đồng, đồng thời chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất và kinh doanh xe điện.

Tại thị trường nước ngoài, trong tháng 7, VinFast chính thức khai trương đồng loạt sáu trung tâm bán hàng VinFast Store đầu tiên tại California (Mỹ) và nhận gói ưu đãi 1,2 tỷ đô la Mỹ từ bang Bắc Carolina cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại bang này. Bên cạnh đó, VinFast cũng đã ký kết thỏa thuận thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup nhằm huy đông vốn cho việc xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina và các hoạt động đầu tư kinh doanh của VinFast tại thị trường Mỹ.

Trong hoạt động Thương mại Dịch vụ, ngày 27/7, Vingroup tiến hành động thổ hai dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị. Hai dự án có tổng quy mô hơn 40.000 m2, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 căn nhà với nhiều loại diện tích linh hoạt. Đây là bước khởi động cho chiến lược phát triển nhà ở xã hội thương hiệu Happy Home của Vingroup nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm