Theo đại diện SCIC cho biết, nhà nước vẫn phải nắm giữ trên 50% đối với mảng viễn thông đến năm 2020, nên chưa có kế hoạch gì về việc thoái vốn tại đây. Hiện tỷ lệ nắm giữ của SCIC tại FPT Telecom là 50,17%, FPT đang sở hữu 45,66%.
Theo kế hoạch, SCIC sẽ lần lượt tổ chức chào bán cạnh tranh vốn tại các doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 8/12 là với Nhựa Bình Minh (BMP), Vinaconex (VCG). Ngày 11/12 là với FPT. Ngày 12/12 là với Domesco (DMC) và ngày 13/12 là Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP).
Giá khởi điểm sẽ được SCIC công bố lần lượt trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 tới.
Khác với Vinamilk, với 5 doanh nghiệp lần này, các nhà đầu tư chỉ được đặt cọc và thanh toán tiền đặt mua bằng đồng Việt Nam.
SCIC dự kiến chào bán 24.159.906 cổ phần (tương đương 29,51% vốn điều lệ) tại Nhựa Bình Minh; 31.633.818 cổ phần (tương đương 5,96% vốn) tại FPT; 12.054.467 cổ phần (tương đương 34,71% vốn) tại Domesco. Riêng với Nhựa Thiếu niên Tiền phong, con số cụ thể sẽ chốt lại sau ngày 30/11.
FPT là trường hợp cá biệt khi room đã kín 49% nhưng FPT chưa có kế hoạch thực hiện nới room ngoại lên 100% như DMC, BMP.
Theo đó, đại diện SCIC cho biết, do đã hết room ngoại nên SCIC cũng chỉ có thể bán cho các NĐT nội. Đơn vị trung gian sẽ đứng ra tổ chức chào bán là CTCK MBS.