Siêu lạm phát, dân Zimbabwe phải dùng tiền ảo, Bitcoin lên 13.000 USD

Siêu lạm phát cùng biến động chính trị đã phá vỡ nền kinh tế Zimbabwe, vốn rất tiềm năng trước khi ông Robert Mugabe lên nắm quyền cách đây 37 năm.
Siêu lạm phát, dân Zimbabwe phải dùng tiền ảo, Bitcoin lên 13.000 USD

Ba mươi bảy năm trước, cựu Tổng thống Robert Mugabe thừa hưởng một nền kinh tế phát triển đa dạng và có tiềm năng trở thành điểm sáng về kinh tế của khu vực Hạ Sahara. Ngày nay, Zimbabwe nằm ở vùng trũng về kinh tế của Châu Phi với thu nhập bình quân đầu người giảm 15% so với năm 1980.

Kinh tế yếu kém là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân và quân đội Zimbabwe biểu tình, yêu cầu ông Mugabe từ chức sau 37 năm nắm quyền.

Từ tiềm năng đến siêu lạm phát

CNN miêu tả, ông Robert Mugabe mang hình tượng một nhà lãnh đạo da màu giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ từ người da trắng.

"Ông luôn có lập trường dân chủ, có nghĩa là ông muốn làm việc vì lợi ích tốt nhất cho người dân của mình, nhưng không đồng nghĩa bao gồm nền kinh tế", Funmi Akinluyi, chuyên gia quản lý quỹ tại châu Phi của Silk Invest cho hay.

Zimbabwe đầu những năm 1980 đã có những bước phát triển kinh tế đáng kể. Tuy nhiên sang giai đoạn 1990, khi đà ảnh hưởng chính trị của ông Mugabe suy yếu, chính quyền của ông bị cáo buộc chìm trong tiêu cực, lợi dụng tham nhũng để duy trì quyền lực.

Các chính sách của Mugabe cũng bị chỉ trích là nguyên nhân dẫn tới nền kinh tế của Zimbabwe xuống dốc không phanh, đặc biệt là các chính sách liên quan tới cải cách ruộng đất.

Đầu những năm 2000, khoảng 4.000 chủ đồn điền da trắng bị tịch thu đất đai, nền nông nghiệp Zimbabwe sụp đổ chỉ trong vòng một đêm. Hai năm sau đó, sản lượng nông sản của quốc gia châu Phi này sụt giảm nghiêm trọng, dẫn tới nạn đói tồi tệ nhất trong vòng 60 năm.

Ông Mugabe yêu cầu ngân hàng trung ương nước này in thêm tiền để phục vụ nhập khẩu nhu yếu phẩm, dẫn tới lạm phát trầm trọng.

Theo Financial Times, lạm phát tại Zimbabwe đạt đỉnh năm 2008 khi giá cả tăng gấp đôi trong 24 giờ và đồng tiền lạm phát tới 7,9 tỷ %.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục, dịch vụ công đình trệ, nền kinh tế Zimbabwe suy giảm 18% trong năm 2008.

Lạm phát quá tồi tệ khiến quốc gia này phải bỏ hẳn đồng đôla Zimbabwe để thanh toán bằng USD và 7 đồng tiền khác trong khu vực.

"Tình hình hiện tại thật đáng buồn khi biết rằng quốc gia này có mỏ kim cương, than đá, đồng, sắt hay bất kỳ tài nguyên nào bạn có thể kể tên. Tôi nghĩ nền kinh tế Zimbabwe sẽ hồi phục nhanh chóng nếu quyền lực ở trong tay đúng người", bà Funmi Akinluyi nói thêm.

Người dân chuyển sang dùng Bitcoin, tiền ảo đội giá khủng

Giá Bitcoin giao dịch trên thị trường thế giới ngày 20/11 khoảng 8.000 USD một đơn vị, nhưng ở thị trường Zimbabwe, một Bitcoin có giá khoảng 13.000 USD, bởi nhu cầu của người dân quốc gia châu Phi này đang tăng vọt.
Đồng tiền thuật toán này đang giúp người dân Zimbabwe giao dịch trực tuyến một cách trực tiếp với các đầu mối hàng hóa nước ngoài, giữ được giá trị tương đối so với giá cả hàng hóa trên thế giới.

Theo CNN, việc người dân Zimbabwe chuyển sang dùng Bitcoin là hệ quả dễ thấy từ một nền kinh tế gần như đã sụp đổ hoàn toàn.

Từ năm 2009, quốc gia châu Phi này đã sử dụng một vài loại ngoại tệ nhưng tỷ giá hối đoái trở nên méo mó, do nguồn cung hạn hẹp và chính sách kiểm soát vốn được thắt chặt.

Năm 2016, chính phủ Zimbabwe cho phát hành một loại công phiếu được đảm bảo giá bởi đồng USD. Tuy nhiên, nhiều người Zimbabwe cho rằng đây chỉ là công cụ để đưa đồng đôla Zimbabwe trở lại bằng đường cửa sau và nền kinh tế sẽ sụp đổ một lần nữa.

Sàn Golix quảng bá trên trang chủ: "Tại Zimbabwe, bạn không làm được nhiều điều với tiền trong tài khoản ngân hàng. Bitcoin tốt hơn loại tiền chúng ta đang sử dụng".

Tuy nhiên, vấn đề của sàn này là nguồn cung đang quá hạn hẹp so với nguồn cầu. Chỉ có khoảng 16 Bitcoin được giao dịch trên sàn trong 24 giờ, dẫn tới giá Bitcoin tại sàn này tăng gần gấp đôi so với giá thế giới.

Theo Golix, việc "đào" Bitcoin tại châu Phi là không khả thi về kinh tế vì giá điện quá đắt đỏ.

 Theo News.Zing

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…