Shein sẽ thiết lập kho hàng khổng lồ tại Việt Nam nhằm đối phó thuế quan của Mỹ

Theo báo cáo mới nhất từ Reuters, công ty thời trang nhanh Shein đang triển khai thuê kho hàng lớn tại Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn còn nhiều bất ổn…

Shein sẽ thiết lập kho hàng khổng lồ tại Việt Nam nhằm đối phó thuế quan của Mỹ

Nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến Shein đang tiến hành thuê một kho hàng quy mô lớn tại Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên hãng đặt cơ sở tại quốc gia Đông Nam Á, một bước đi được cho là để giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Cụ thể, Shein, doanh nghiệp Trung Quốc chuyên cung cấp các sản phẩm giá rẻ, đã đồng ý thuê gần 15 hecta đất công nghiệp để xây dựng kho hàng gần TP. Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại và giao thương lớn nhất Việt Nam, theo tiết lộ của hai nguồn tin thân cận với thỏa thuận chia sẻ với Reuters.

Shein hiện gần như hoàn toàn dựa vào các nhà cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc để sản xuất hàng hoá phục vụ thị trường Mỹ và các khu vực khác. Do đó, Shein chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh, bất chấp những dấu hiệu hạ nhiệt gần đây.

Một trong hai nguồn tin và cả bên thứ ba tiết lộ, Shein đang tìm kiếm thêm mặt bằng kho bãi tại khu vực miền Nam Việt Nam, bên cạnh cơ sở lớn nói trên, nhằm lưu trữ hàng may mặc từ các nhà thầu trước khi xuất khẩu.

Hiện vẫn chưa rõ nguồn hàng ở kho Việt Nam sẽ đến từ đâu và liệu Shein có thể điều chỉnh kế hoạch trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục hạ nhiệt hay không. Shein đã từ chối trả lời câu hỏi của Reuters liên quan đến việc thuê kho tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trước tình hình vẫn còn nhiều biến động, giới phân tích nhận định Shein vẫn phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. “Sẽ là rủi ro nếu họ không đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, ông Manish Kapoor, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập công ty giải pháp chuỗi cung ứng Growth Catalyst Group đánh giá.

Tại Trung Quốc, Shein đã xây dựng được một mạng lưới nhà cung cấp hùng hậu có khả năng sản xuất nhanh các mặt hàng thời với giá chỉ vài nhân dân tệ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thế hệ Gen Z toàn cầu. Shein từng tuyên bố mở rộng mạng lưới đối tác gia công tại Trung Quốc và rót 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,37 tỷ USD) vào các dự án công nghiệp ở khu vực phía Nam, bao gồm trung tâm chuỗi cung ứng trị giá 500 triệu USD gần Quảng Châu. Giai đoạn đầu của trung tâm này, hiện đang xây dựng, sẽ trải rộng trên diện tích khoảng 49 hecta.

Shein trở thành “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thời trang nhanh với doanh số hơn 30 tỷ USD mỗi năm nhờ chiến lược giá rẻ và hưởng lợi từ chính sách thương mại ưu đãi như quy định “de minimis” của Mỹ, ngoại lệ cho phép miễn thuế với hàng nhập khẩu dưới 800 USD. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bãi bỏ quy định này đối với hàng hóa từ Trung Quốc kể từ ngày 2/5, khiến nhiều gói hàng của Shein phải chịu mức thuế lên tới 120%. Sau đó, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này đã giúp giảm thuế xuống còn 54% đối với các kiện hàng dưới 800 USD, và 30% đối với các lô hàng thương mại có giá trị thấp.

Tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa cường quốc kinh tế khiến một số quốc gia lo ngại sẽ mất đi ưu thế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn giữ được lợi thế lớn khi các lô hàng có giá trị dưới 800 USD xuất khẩu từ Việt Nam vẫn được miễn thuế. Dẫu vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng các chính sách “de minimis” có thể bị dỡ bỏ hoàn toàn trong thời gian tới.

Trước nguy cơ thuế quan bổ sung từ phía Mỹ, Việt Nam cũng đang siết chặt một số dòng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Donald Trump cáo buộc nhiều sản phẩm đã bị định tuyến lại qua Việt Nam để tránh thuế cao.

Trước đó, Shein từng bày tỏ mong muốn đa dạng hóa nguồn cung bằng cách tìm kiếm hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Một số nhà cung cấp truyền thống của Shein tại miền Nam Trung Quốc cũng nói với Reuters rằng họ đang mất đơn hàng vào tay các nhà máy mới mở tại Việt Nam.

Xem thêm

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu đã ngừng vận chuyển trực tiếp hàng hoá từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn sau khi “ngoại lệ de minimis” chấm dứt, từ đó khiến hàng chục nghìn sản phẩm hiển thị trên website bị đánh dấu là hết hàng…

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Đối mặt với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chấm dứt “ngoại lệ de minimis”, hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Shein và Temu đang mở rộng kế hoạch chi tiêu quảng cáo tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh tại đây…

Có thể bạn quan tâm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chồng chất thách thức, khi dân số sụt giảm mạnh, thu nhập đình trệ và lượng nhà tồn kho khổng lồ. Những yếu tố này liên tục giáng đòn mạnh vào tâm lý của cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư, khiến triển vọng phục hồi trở nên mờ mịt…

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Quốc hội Iran vừa thông qua nghị quyết cho phép đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 1/5 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển quốc tế…

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, Fed vẫn dự kiến sẽ tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025…

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran khiến giá dầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất…