Ông Trump lại đe đánh thuế EU, Apple, thương chiến nguy cơ leo thang

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đe dọa áp thuế 50% lên hàng hóa EU và 25% lên iPhone nhập khẩu, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang trở lại…

Ông Trump lại đe đánh thuế EU, Apple, thương chiến nguy cơ leo thang

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa cảnh báo sẽ có các biện pháp cứng rắn đối với Liên minh châu Âu (EU), đe dọa áp thuế 50% đối với hàng hóa EU bắt đầu từ ngày 1/6. Đồng thời, ông cũng tuyên bố sẽ xem xét đề xuất đánh thuế 25% lên iPhone và một số thiết bị Apple bán tại Mỹ nhưng sản xuất ở nước ngoài.

Thông điệp được ông Trump đăng tải trên mạng xã hội ngay lập tức đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, vốn chỉ vừa lấy lại đà ổn định trong vài tuần gần đây nhờ một số tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại.

Trong phiên 23/5, chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt lao dốc, đồng USD suy yếu, trong khi giá vàng, kênh tài sản trú ẩn an toàn, tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm do lo ngại thuế quan sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Động thái tăng cường sức ép của ông Trump xuất phát từ quan điểm cho rằng tiến trình đàm phán với EU đang bị đình trệ. Tổng thống Mỹ một lần nữa phàn nàn rằng EU đối xử không công bằng với Mỹ khi hạn chế xe hơi Mỹ vào thị trường châu Âu. Khi được hỏi liệu có hy vọng đạt được thỏa thuận trước ngày 1/6 hay không, ông thẳng thắn trả lời: “Tôi không tìm kiếm một thỏa thuận. Chúng tôi đã thiết lập mức thuế mới là 50%. Nhưng nếu họ xây nhà máy ở đây thì sẽ không có thuế nào cả”.

Đáp lại tuyên bố mới từ Washington, Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic cho biết Ủy ban châu Âu vẫn cam kết theo đuổi một thỏa thuận công bằng cho cả hai bên sau cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Ông nhấn mạnh rằng quan hệ thương mại Mỹ - EU phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải các lời đe dọa.

Trước đó, Nhà Trắng đã tạm ngừng phần lớn các mức thuế đối ứng mà ông Trump công bố hồi đầu tháng 4 nhằm vào hầu hết các quốc gia trên thế giới. Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn giữ lại mức thuế cơ bản 10%, và hạ mức thuế cao nhất 145% đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%.

Nếu mức thuế 50% được áp dụng với EU, người tiêu dùng Mỹ có thể phải trả giá cao hơn cho nhiều nhóm hàng thiết yếu, từ ô tô Đức cho đến dầu ô liu Italy. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Mỹ đạt khoảng 500 tỷ euro, trong đó Đức dẫn đầu với 161 tỷ euro, tiếp theo là Ireland (72 tỷ) và Italy (65 tỷ). Dược phẩm, ô tô và linh kiện, hóa chất và máy bay là các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của EU, theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu.

Hiện tại, Nhà Trắng đang tiến hành đàm phán thương mại với nhiều quốc gia, nhưng tiến trình không đồng đều. “EU là một trong những khu vực ông Trump ít có thiện cảm nhất, và quan hệ của ông ấy với lãnh đạo châu Âu vốn không mấy tốt đẹp, điều này có thể làm gia tăng nguy cơ cuộc chiến thương mại kéo dài”, bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại XTB nhận định.

Song song với đó, Tổng thống Donald còn gây áp lực lên Apple, như một phần trong chiến dịch tạo sức ép buộc các tập đoàn lớn phải chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ, tương tự như cách ông từng áp dụng với các hãng ô tô, công ty dược phẩm và tập đoàn sản xuất chip.

Tuy nhiên, khả năng Apple chuyển toàn bộ dây chuyền về Mỹ vẫn là rất thấp. Tháng 2 vừa qua, “Nhà Táo” thông báo sẽ đầu tư 500 tỷ USD trong vòng 4 năm tới tại 9 bang của Mỹ, nhưng khoản đầu tư này không nhằm mục tiêu đưa hoạt động sản xuất iPhone về nước. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Mỹ hiện nay không có cơ sở hạ tầng để sản xuất điện thoại thông minh quy mô lớn, trong khi người tiêu dùng nước này mỗi năm mua hơn 60 triệu thiết bị. Nếu Apple buộc phải sản xuất iPhone tại Mỹ, giá bán mỗi thiết bị có thể tăng thêm hàng trăm USD.

Trong cuộc họp báo ngắn tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Donald Trump xác nhận mức thuế mới cũng sẽ được áp dụng với Samsung và các nhà sản xuất điện thoại thông minh. Kế hoạch dự kiến có thể được triển khai trước cuối tháng 6.

Trước đó, ông Trump đã chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social rằng ông từng nói với CEO Tim Cook là ông kỳ vọng iPhone bán tại Mỹ phải được sản xuất tại Mỹ, chứ không phải ở Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác.

Một nguồn tin giấu tên cho biết ông Cook và Tổng thống Trump đã có cuộc gặp riêng vào đầu tuần này.

“Thật khó tưởng tượng Apple có thể tuân thủ được hoàn toàn yêu cầu của Tổng thống Trump trong chỉ khoảng 3-5 năm tới”, chuyên gia phân tích Gil Luria từ D.A. Davidson & Co nhấn mạnh.

Xem thêm

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc, tự xưng là đơn vị sản xuất cho hàng loạt thương hiệu xa xỉ, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng “trả đũa” trên TikTok khi chào bán các sản phẩm “dupe” giá rẻ như một phản ứng trước thuế quan của Mỹ đối với quốc gia này…

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...

Có thể bạn quan tâm

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Giá gạo tại Nhật Bản liên tục tăng cao do sản lượng sụt giảm và làn sóng quá tải khách du lịch. Những yếu tố này đang đẩy chi phí tiêu dùng lên mức kỷ lục, đồng thời gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương…

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chồng chất thách thức, khi dân số sụt giảm mạnh, thu nhập đình trệ và lượng nhà tồn kho khổng lồ. Những yếu tố này liên tục giáng đòn mạnh vào tâm lý của cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư, khiến triển vọng phục hồi trở nên mờ mịt…

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Quốc hội Iran vừa thông qua nghị quyết cho phép đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 1/5 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển quốc tế…

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, Fed vẫn dự kiến sẽ tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025…

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran khiến giá dầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất…