Ấn Độ vẫn “còn xanh” để thay thế Trung Quốc, Apple tiến thoái lưỡng nan

Ấn Độ vẫn chưa có đủ năng lực để trở thành một công xưởng mới của thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực buộc Apple đưa sản xuất iPhone về xứ cờ hoa…

Ấn Độ vẫn “còn xanh” để thay thế Trung Quốc, Apple tiến thoái lưỡng nan

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu nổi tiếng là người không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân. "Ngày hôm qua tôi có chút vấn đề với Tim Cook. Tôi không muốn ông ấy xây dựng nhà máy ở Ấn Độ”, ông Trump chia sẻ với báo giới vào tuần trước, nhắc đến cuộc trò chuyện giữa ông và CEO Apple về việc công ty chuyển dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ, thay vì đưa về Mỹ.

Trước đó đã xuất hiện nhiều thông tin về việc “Nhà Táo” dự định đẩy mạnh sản xuất, với mục tiêu lắp ráp khoảng 25% tổng số iPhone toàn cầu trong vài năm tới tại quốc gia Đông Á này. Kế hoạch này được cho là một phần trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi hiện đảm nhận tới 90% khâu lắp ráp sản phẩm chủ lực của hãng.

Thực tế, khả năng Apple chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ, thay vì sang Ấn Độ, vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ, dù điều đó dường như khó xảy ra.

screenshot-2025-05-23-at-121319.png
Giá thành điện thoại iPhone có thể tăng thêm 25% nếu được lắp ráp tại Mỹ

Theo các nhà phân tích của Bank of America, nếu Apple đưa khâu lắp ráp cuối cùng về Mỹ, giá thành sản phẩm có thể tăng tới 25% do chi phí lao động cao hơn. Để dễ hình dung, mẫu iPhone 16 Pro Max hiện có giá 1.199 USD tại Mỹ, cộng thêm khoảng 125,90 USD tiền thuế tại bang Louisiana. Nếu việc lắp ráp và kiểm định cuối cùng diễn ra tại Mỹ, người tiêu dùng có thể phải trả thêm khoảng 160 USD cho mỗi thiết bị. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn giả định rằng một số bộ phận, ví dụ như camera, sẽ tiếp tục được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.

“Nếu Apple thực sự chuyển dây chuyền lắp ráp cuối cùng về Mỹ, hãng sẽ cần được miễn thuế đối với các linh kiện và cụm linh kiện sản xuất ở nước ngoài để đảm bảo khả năng cạnh tranh”, ông Wamsi Mohan, nhà phân tích tại Bank of America đưa ra nhận định trong một báo cáo. Ông Mohan cho rằng, dù khả thi về mặt kỹ thuật, việc chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng iPhone về Mỹ là một nhiệm vụ khổng lồ và chắc chắn sẽ mất nhiều năm để hoàn thành, trong trường hợp được cho là thực sự khả thi.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng mặc dù Ấn Độ đang nổi lên như một trung tâm lắp ráp điện tử tiềm năng, con đường để nước này trở thành một lựa chọn thay thế rõ ràng cho Trung Quốc vẫn chưa hề chắc chắn, ngay cả trong bối cảnh Mỹ gia tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Thách thức cốt lõi đối với Ấn Độ không chỉ dừng lại ở việc thu hút các tập đoàn quốc tế.

“Xây dựng chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất cần rất nhiều thời gian”, ông Nick McConway, Trưởng bộ phận cổ phiếu khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) tại Amundi Asset Management cho biết.

“Chúng ta đã thấy điều đó với Việt Nam, họ phải đầu tư mạnh vào hạ tầng. Điện phải ổn định, đường phải có sẵn, xe tải phải đến đúng giờ. Trên thực tế Ấn Độ mới chỉ ở giai đoạn rất sơ khai trong việc phát triển năng lực sản xuất hướng ra toàn cầu”, ông McConway lưu ý thêm.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, chi phí lao động thấp ở Ấn Độ không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất. “Dù chi phí lao động trung bình ở mức thấp, nhưng chi phí lao động trên mỗi đơn vị sản phẩm lại không rẻ vì năng suất lao động còn yếu”, ông giải thích.

Nếu so sánh với Mỹ, khoảng cách về năng suất giữa hai quốc gia có thể làm lu mờ lợi thế về chi phí nhân công khiến Ấn Độ khó cạnh tranh hiệu quả trên thị trường sản xuất giá trị cao toàn cầu. Trong khi đó, Apple đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tự động hóa nhiều công đoạn trong dây chuyền lắp ráp cuối cùng, giúp giảm hơn 50% số lượng lao động.

Ngay cả khi Ấn Độ giành được một phần lớn hơn trong hoạt động lắp ráp iPhone, lợi ích mang lại cho quốc gia này có thể vẫn khá khiêm tốn, theo một nhà phân tích. “Hiện nay, Ấn Độ chỉ thu về khoảng 30 USD trên mỗi chiếc iPhone, phần lớn trong số đó lại được hoàn trả cho Apple thông qua chương trình ưu đãi sản xuất (PLI)”, ông Ajay Srivastava, người sáng lập tổ chức tư vấn Global Trade Research Initiative chỉ ra.

Ông Srivastava, người từng là nhà đàm phán thương mại của Ấn Độ, đã cảnh báo rằng việc New Delhi giảm thuế linh kiện điện thoại theo yêu cầu của Apple có thể làm tổn hại đến nỗ lực xây dựng hệ sinh thái sản xuất linh kiện trong nước.

“Nếu Apple chuyển dây chuyền lắp ráp đi nơi khác, Ấn Độ sẽ buộc phải từ bỏ mô hình lắp ráp đơn giản và thay vào đó đầu tư vào sản xuất sâu, từ chip, màn hình, pin và nhiều hơn nữa”, ông Srivastava bình luận.

Cuối cùng, có thể chính nỗ lực tái nội địa hóa sản xuất của ông Trump sẽ không phải là nguyên nhân khiến Ấn Độ đánh mất nguồn đầu tư nước ngoài. Vấn đề nằm ở chỗ, Ấn Độ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Xem thêm

Apple lần đầu tiên giảm giá iPhone tại thị trường Ấn Độ

Apple lần đầu tiên giảm giá iPhone tại thị trường Ấn Độ

Việc iPhone bất ngờ giảm giá tại Ấn Độ không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược của Apple, mà còn mở ra cơ hội mới cho hàng triệu tín đồ công nghệ Ấn được trải nghiệm những sản phẩm đẳng cấp với mức giá dễ tiếp cận hơn…

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Có thể bạn quan tâm

Hơn 1.000 tỷ USD Mỹ đã bị đánh cắp hàng năm thông qua lừa đảo qua điện thoại và internet

Vén màn “Ngành công nghiệp lừa đảo tỷ đô”: Thâm nhập "Khu tự trị" Mae Sot

Đằng sau những vụ hack tài khoản, chiếm đoạt tiền từ châu Âu sang châu Á sang Mỹ… là cả một “ngành công nghiệp lừa đảo tỷ đô” hoạt động tinh vi, bài bản. Hàng trăm ngàn “nạn nhân” của nạn buôn người đang trở thành những nô lệ hiện đại, làm công cụ lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ USD mỗi năm...

Mùa hè buồn của ngành du lịch Mỹ

Mùa hè buồn của ngành du lịch Mỹ

Ngành du lịch Mỹ đang chao đảo khi lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh do căng thẳng chính trị, chính sách nhập cư khắt khe và các rào cản visa, khiến nhiều điểm đến và doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thất thu nghiêm trọng trong mùa cao điểm…

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Đối mặt với lạm phát và kinh tế bất ổn, người tiêu dùng Hàn Quốc đang thắt chặt chi tiêu trong Tháng Gia đình, thời điểm vốn được biết đến với những bữa tiệc hoành tráng và quà tặng đắt tiền, bằng cách mua đồ cũ, chọn quà thực tế và cắt giảm các khoản ăn uống xa hoa…

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Đối mặt với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chấm dứt “ngoại lệ de minimis”, hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Shein và Temu đang mở rộng kế hoạch chi tiêu quảng cáo tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh tại đây…

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu đã ngừng vận chuyển trực tiếp hàng hoá từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn sau khi “ngoại lệ de minimis” chấm dứt, từ đó khiến hàng chục nghìn sản phẩm hiển thị trên website bị đánh dấu là hết hàng…