Bộ trưởng Công Thương Singapore, Chan Chun Sing cho biết: “CPTPP sẽ bổ sung vào mạng lưới hiệp định thương mại tự do song phương hiện tại của Singapore, củng cố giao thương với các nước châu Á - Thái Bình Dương và tạo ra dòng chảy xuyên suốt về hàng hóa - dịch vụ - đầu tư. Hiệp định này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu".
CPTPP là hiệp định chất lượng cao sẽ giúp giảm thiểu rào cản thị trường và thúc đẩy thương mại tại thị trường chung gồm 500 triệu dân với tổng GDP khoảng 10.000 tỷ USD.
"Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và các yếu tố chống toàn cầu hóa, CPTPP truyền tải thông điệp mạnh mẽ về cam kết của chúng ta với tự do hóa thương mại và hệ thống mậu dịch dựa trên luật lệ", ông Chan Chun Sing nhận định.
Được Mexico là nước đầu tiên phê chuẩn thỏa thuận vào tháng 4, sau đó là Nhật Bản vào ngày 6/7. Các nước còn lại trong khối là Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru và Việt Nam.
Chiều 19/7, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Theo chúng tôi được biết, hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện hồ sơ để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay", bà Hằng nói.
Bà Lê Thị Thu Hằng nêu, theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất có 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Hiện nay, Việt Nam và các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn CPTPP phù hợp với các quy định của pháp luật từng nước để sớm đưa hiệp định vào triển khai, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên và đóng góp cho tăng trưởng, liên kết kinh tế ở khu vực.
Trước đó, phản hồi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 hôm 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã cho biết, hồ sơ CPTPP đang được tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp khai mạc tháng 10 năm nay.