Hội đồng Quản trị Công ty CP Tasco (HUT) vừa công bố nghị quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (TIC) – doanh nghiệp do Tasco “trùm BOT” nắm 100% vốn.
Cụ thể, theo nghị quyết mới, Tasco sẽ rót thêm hơn 612 tỷ đồng vào công ty bảo hiểm này để tăng vốn lên hơn 1.017 tỷ đồng. Hình thức rót vốn là chủ sở hữu góp trực tiếp và nộp tiền vào tài khoản của TIC. Thời điểm tăng vốn dự kiến trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận nguyên tắc cho phép TIC được tăng vốn điều lệ theo phương án trên.
Được biết, TIC tiền thân chính là Công ty TNHH Bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam thuộc Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp). Đây cũng là doanh nghiệp mới được Tasco nhận chuyển nhượng 100% vốn góp vào tháng 9 năm nay với mục tiêu tham gia vào mảng kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới dựa trên hạ tầng các showroom của Savico và VETC (nhóm công ty thành viên của Tasco).
Tại thị trường trong nước, Tasco được mệnh danh là “trùm BOT” khi là chủ đầu tư và quản lý vận hành hàng loạt dự án BOT lớn như BOT Quốc Lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng…
Ngoài ra, Tasco cũng là công ty mẹ của VETC - một trong hai doanh nghiệp tham gia mảng thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.
Ngoài ra, thông qua các công ty thành viên, Tasco còn nắm giữ danh mục dự án bất động sản quy mô lớn tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM như Dự án tại phường Xuân Phương đã phê duyệt 1:500 và chủ trương đầu tư; Dự án tòa nhà văn phòng 48 Trần Duy Hưng (2.800 m2); Dự án tòa nhà Dương Đình Nghệ (2.800 m2); Trung Tâm Savico Megamall Long Biên (4,6 ha); Trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng (4.739 m2); Trung Tâm Thương Mại Savico Cần Thơ (2.849 m2); Khu Dân Cư Long Hoà Cần Giờ (29,8 ha); Khu Phức Hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1 ha); Dự án Mercure Sơn Trà (5,76 ha); Văn Phòng 91 Pasteur (1.604 m2)...
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III của Tasco, doanh nghiệp này đã ghi nhận 304 tỷ đồng doanh thu trong quý gần nhất, tăng 87% so với cùng kỳ, lãi ròng thu về được đạt gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 64 tỷ. Trong đó, BOT tiếp tục là mảng kinh doanh đóng góp chính vào doanh thu quý III.
Tính chung 9 tháng, Tasco ghi nhận hơn 763 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và báo lãi sau thuế hơn 111 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 146 tỷ.
Năm nay, ban lãnh đạo Tasco đặt mục tiêu ghi nhận 11.400 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 12 lần và 5 lần năm 2021. Như vậy, sau 3/4 năm tài chính, công ty này mới thực hiện được gần 7% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 45% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn tăng dựng đứng hồi tháng 3 trước các thông tin đổi chủ, cổ phiếu HUT của Tasco đã liên tục ghi nhận xu hướng sụt giảm cùng với thị trường chung. Chốt phiên 23/12, giá cổ phiếu HUT dừng ở mức 14.800 đồng/cp, giảm gần 71% so với đỉnh 51,300 đồng/cp (ngày 23/03).
Với thị giá này, vốn hóa thị trường của Tasco hiện vào khoảng hơn 5.100 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức gần 18.000 tỷ đồng ghi nhận được hồi tháng 3.