Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, chỉ số VN-Index thời điểm hiện nay so với tháng trước tăng khoảng 19%. Mức vốn hóa thị trường tăng 17% so với cuối 2017, vào khoảng 82,2% GDP, chưa tính trái phiếu, chỉ tính cổ phiếu.
Thị trường hiện có 741 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn, 723 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Số cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch tăng liên tục. Chỉ số Vn-Index trong quý I năm nay tăng vượt mức tăng cao nhất của đỉnh năm 2007-2008.
Những số liệu này cho thấy kinh tế Việt Nam đang ở trạng thái rất tích cực, vừa đạt mức tăng trưởng cao và vĩ mô ổn định.
Bên cạnh đó, ĐHCĐ thường niên các công ty niêm yết, thông tin KQKD quý 1, phương án trả cổ tức, và kế hoạch kinh doanh năm 2018 là thông tin hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn trong tháng 4.
BSC đánh giá, trong tháng 4, thị trường có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt nhờ thông tin KQKD quý 1, vận động giá điều chỉnh có thể xảy ra trong tháng 5 khi thị trường bước vào vùng trũng thông tin và hồi phục lại nửa sau tháng 6.
Cùng chung quan điểm tích cực, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với sự trở lại của nhóm cổ phiếu dẫn dắt là nhóm ngân hàng, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm. Công ty chứng khoán này cũng dự báo, khả năng Vn-Index rơi xuống dưới mức 1.150 điểm của tuần trước là rất thấp.
Một trong những động lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Vn-Index bứt phá là thông tin cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% - 22% xuống còn 15% - 17% mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cung cấp tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS6 vừa qua.