Số cổ phần này sẽ bán đấu giá trọn lô qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đây cũng là toàn bộ số cổ phiếu HND mà SCIC đang nắm giữ.
Trường hợp giá khởi điểm thấp hơn giá tham chiếu bình quân trong 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin bán cổ phần thì lấy giá tham chiếu bình quân làm giá khởi điểm chào bán.
Đáng chú ý, trên thị trường cổ phiếu HND đã tăng mạnh từ đầu năm 2019 đến nay, từ vùng giá xấp xỉ 9.000 đồng/cp lên 13.400 đồng/cp như hiện nay. Trong đó cao nhất cũng chỉ xấp xỉ quanh mức 15.000 đồng/cp. Như vậy, giá khởi điểm mà SCIC đưa ra gần gấp đôi thị giá thị trường của cổ phiếu HND.
Về cơ cấu cổ đông, Tổng công ty Phát điện 2 (Gencon 2) đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 51%, sau đó là CTCP Nhiệt điện Phả Lại với gần 26%, cổ đông lớn thứ 3 là SCIC.
Về kết quả kinh doanh, tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Nhiệt điện Hải Phòng ước thực hiện sản lượng điện sản xuất, sản lượng điện thương phẩm năm 2019 khoảng 8.100 triệu và 7.400 triệu kWh, cùng vượt kế hoạch trên 4%.
Năm 2019, Nhiệt điện Hải Phòng ước đạt trên 11.200 tỷ đồng doanh thu , vượt kế hoạch 9%; Lợi nhuận trước thuế 975 tỷ đồng, cao xấp xỉ 3 lần kế hoạch. Xét riêng quý III/2019, Nhiệt điện Hải Phòng đạt lợi nhuận trước thuế gần 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 148 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng trên 639 tỷ đồng.
Năm 2020, Nhiệt điện Hải Phòng dự kiến đạt sản lượng hơn 7.800 triệu kWh điện, doanh thu gần 10.500 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân bố tỷ giá là 333,4 tỷ đồng.
Đối với hoạt động thoái vốn của SCIC, ngày 15/1 vừa qua, công ty đã bán đấu giá thành công 2,156 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ tại Tổng Công ty tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam.
Toàn bộ số cổ phần được bán hết cho 1 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công là 86.100 đồng/cp, cao gấp 3,2 lần giá khởi điểm (26.700 đồng/cp). Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 185 tỷ đồng.