Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đến “hồi thái lai”

Sau khi sụt giảm mạnh năm 2022 và giằng co trong suốt nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ lạc quan hơn trong 6 tháng cuối năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đến “hồi thái lai”

Theo nhận định của ông Andy Ho - CIO VinaCapital, triển vọng thị trường nửa cuối năm 2023 rất khả quan, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 đến 1.250 điểm trong năm 2023 và tiếp tục hướng tới mục tiêu 1.300, thậm chí là trở lại mốc 1.500 điểm trong năm 2024. Kỳ vọng về việc lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ phục hồi từ nửa cuối năm nay và sang tới cả năm 2024 giúp thị trường chứng khoán có thêm dư địa để tăng trưởng tốt.

Lãi suất hỗ trợ thị trường đi lên

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDirect Nguyễn Vũ Long, hai chủ điểm lớn mà nhà đầu tư cần quan tâm nửa cuối năm 2023 là câu chuyện hạ lãi suất và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, việc giảm lãi suất sẽ kéo theo dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán, còn đầu tư công là câu chuyện xuyên suốt năm 2023 nhờ giữ vai trò động lực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Đồng quan điểm lãi suất sẽ hỗ trợ thị trường trong giai đoạn tới, nhóm phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VietinBank (VietinBank Securities) nhận định, trong quá khứ, lãi suất điều hành giảm và duy trì trong thời gian đủ lớn thì thị trường chứng khoán thường tăng mạnh.

Trong khi đó, kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa lãi suất tái cấp vốn về mức 4,5% . Lãi suất huy động giảm đang có xu thế giảm, hiện chỉ còn 7,2% tại các ngân hàng top 4.

Thực tế cho thấy, việc giảm lãi suất đang bắt đầu có những tác động tích cực rõ nét tới thị trường chứng khoán. Cụ thể, lượng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng tới dưới 1 năm trong giai đoạn lãi suất huy động đạt đỉnh ở 10-12/2022 đã đáo hạn và nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động đã khiến lượng tiền này phần nào trở lại thị trường chứng khoán khi các yếu tố tiêu cực nhất đã xuất hiện và phản ánh vào thị trường ở năm 2022.

thị trường chứng khoán
Giảm lãi suất đang bắt đầu có những tác động tích cực rõ nét tới thị trường chứng khoán

Quay trở lại diễn biến của thị trường chứng khoán trong khoảng 3 năm trở lại đây có thể thấy, lãi suất chính là “đạo diễn” cho các cuộc thịnh suy của thị trường. Có thể kể đến giai đoạn 2020-2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi từ “cực suy” sau cú sốc đại dịch lên “cực thịnh” (năm 2021), rồi lại “cực suy” trong năm 2022.

Tình trạng này luôn diễn ra trong bối cảnh có sự thay đổi về lãi suất. Cụ thể, dòng tiền rẻ nhờ lãi suất thấp chảy vào chứng khoán đã giúp cho chỉ số VN-Index hồi phục ngoạn mục từ đáy 662 điểm ngày 30/3/2020 lên trên mốc 1.500 điểm trong năm 2021 và tạo đỉnh vào 1.528 điểm vào ngày 6/1/2022.

Kể từ đó, lãi suất trên thị trường cũng rục rịch tăng, rồi tăng sốc kể từ sau khi NHNN quyết định nâng mạnh lãi suất điều hành kể từ ngày 23/9/2022, kéo theo VN-Index “bốc hơi” khoảng 30% giá trị kể từ đầu năm.

Do vậy, với xu thế giảm lãi suất trong suốt 6 tháng vừa qua, cùng với tổng thể nền kinh tế vĩ mô đang tương đối ổn định và khả năng cao có thể duy trì trong phần còn lại của năm nay, lạm phát đang xó xu hướng giảm dần và tỷ giá ổn định tạo dư địa rất lớn cho NHNN tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành, từ đó kéo sự “cực thịnh” quay trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhưng khó có sóng thần

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế lại cho rằng, thị trường chứng khoán đã hồi phục đáng kể sau động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN nhưng dòng vốn dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang thực chất không đáng kể, bởi lãi suất huy động vẫn chưa giảm đến mức nhà đầu tư rời bỏ kênh đầu tư này.

Trong khi đó, lãi suất giảm sẽ tác động tích cực cho sản xuất kinh doanh, bất động sản, chứng khoán, song nhà đầu tư không nên quá chủ quan vì triển vọng hồi phục doanh nghiệp không thể nhanh, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn quá yếu.

thị trường chứng khoán
chuyên gia kinh tế lại cho rằng, thị trường chứng khoán đã hồi phục đáng kể sau động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN nhưng dòng vốn dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang thực chất không đáng kể

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên vào tháng 3, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bắt đầu chuyển sang trạng thái mua ròng, và con số này liên tiếp tăng lên sau 3 lần hạ lãi suất sau đó. Chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2023, các nhà đầu tư trong nước đã mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng, đối ứng với trạng thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước.

Cũng theo ông Minh, bối cảnh lãi suất ở thời điểm hiện tại đã khiên dòng tiền đáo hạn dịch chuyển đổ lại kênh chứng khoán nhưng về cơ bản thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân. Vì vậy, 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có một cơn sóng nhưng khó đón được một cơn sóng thần như năm 2021.

Bởi lẽ, 80% nhà đầu tư cá nhân thiệt hại tài sản lớn sau đợt giảm của thị trường năm 2022 nên tâm lý sợ hãi vẫn còn; FED và các ngân hàng trung ương vẫn thắt chặt chưa nới lỏng nên khó để kỳ vọng một chu kỳ tiền rẻ quay lại. Cùng với đó là áp lực thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu, xu hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam đang khác biệt so với nhiều nước khác, có thể tạo nên áp lực về tỷ giá và dòng vốn.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng duy trì quan điểm thận trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm. 

Báo cáo cho rằng VN-Index sẽ khó có sự bùng nổ về điểm số nếu như các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ cũng như lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ ở mức Ngân hàng Trung ương các nước mạnh tay đảo ngược chính sách tiền tệ. Thị trường sẽ phục hồi chậm chạp và xen lẫn các nhịp điều chỉnh. Theo đó, VN-Index hướng về vùng 1.155 – 1.200 điểm trong nửa cuối năm 2023 trên cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá P/E thị trường trong khoảng 12 – 12,5 lần.

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong khoảng 3 năm trở lại đây có thể thấy, lãi suất chính là “đạo diễn” cho các cuộc thịnh suy của thị trường. Có thể kể đến giai đoạn 2020-2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi từ “cực suy” sau cú sốc đại dịch lên “cực thịnh” (năm 2021), rồi lại “cực suy” trong năm 2022.

Có thể bạn quan tâm