Thiên Ngọc Minh Uy bị rút giấy phép, người tham gia có nhận lại được tiền?

Vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất lúc này là những người tham gia liệu có nhận lại được số tiền mà họ đã đóng vào công ty Thiên Ngọc Minh Uy hay không?
Thiên Ngọc Minh Uy bị rút giấy phép, người tham gia có nhận lại được tiền?

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang tiến hành các giải pháp bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia vào hệ thống của công ty này, đặc biệt là những người nông dân, người ở vùng sâu vùng xa - những đối tượng dễ bị tổn thương.

Bộ Công Thương cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, ban hành thêm các quy định về cấm một số hành vi trong hoạt động kinh doanh đa cấp. Những quy định mới này khi được thông qua, sẽ có tính chất răn đe, ngăn ngừa được những đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này.

"Theo một số luật sư, khi công ty Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt kinh doanh đa cấp, ngay lập tức người tham gia có quyền gửi đơn yêu cầu trả hàng và lấy lại tiền đã đóng. Ngoài ra, trong thời hạn quy định 90 ngày, nếu không giải quyết được, người tham gia có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa.

Trưa 25/4, trên fanpage của công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã đăng tải thông báo của công ty về việc dừng hoạt động. Thông báo có đoạn: Công ty tên Thiên Ngọc Minh Uy chúng ta được biết đến chính là Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam (chỉ được phép hoạt động trên lĩnh vực ngành nghề theo qui định của Nghi định 42) nhưng thực tế ngay từ khi thành lập đã có hơn 21 mã ngành nghề kinh doanh được Công ty đăng ký. Vì vậy, để tạo ra thương hiệu và qui mô tầm cỡ quốc tế nay công ty chúng ta sẽ chuyển đổi Thiên Ngọc Minh Uy thành 1 tập đoàn bao gồm nhiều các công ty con dưới sự điều hành của Tập đoàn Thiên Ngọc Minh Uy.

Thông báo này cũng giải thích việc xin dừng hoạt động là: "Lĩnh vực kinh doanh đa cấp mang tên Thiên Ngọc Minh Uy hiện tại sẽ do Công ty con của Thiên Ngọc Minh Uy tên Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm chuyên sâu mảng MLM (kinh doanh đa cấp). Vì vậy, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy không còn là đa cấp nữa nên trả giấy chứng nhận đa cấp cho Bộ Công Thương".

Về quyền lợi của người tham, thông báo nêu rõ: "Ai có mạng lưới thì vẫn làm bình thường” đồng thời kêu gọi các thành viên tham gia thêm các hoạt động đầu tư".

Việc ra thông báo này trên fanpage của Thiên Ngọc Minh Uy khiến nhiều người lo lắng về việc liệu có xuất hiện 1 công ty khác là "biến tướng" của Thiên Ngọc Minh Uy sau khi dừng hoạt động hay không? Trước đó, vào năm 2006, khi công ty Sinh Lợi dừng hoạt động, đã thay thế vào đó là cái tên Thiên Ngọc Minh Uy, nên nhiều người lo lắng về việc 1 vòi đa cấp mới sẽ mọc ra từ chỗ cũ.

Trả lời về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh cho biết: "Chắc chắc sẽ có sự biến tướng vì lợi nhuận sinh ra từ hoạt động này quá lớn trong khi kinh phí đầu tư rất ít; một thị trường đa cấp không trung thực vẫn tiềm năng vì nhận thức người dân (nhất là vùng khó khăn) còn hạn chế; cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc quản lý và cấp giấy phép hoạt động loại hình kinh doanh này; mức xử phạt chưa lớn và chưa có tính răn đe với những cá nhân tham gia hệ thống…".

Cũng theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, những người đã đầu tư vào trước đó sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất khi doanh nghiệp bị dừng hoạt động. Theo quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp, các công ty kinh doanh đa cấp phải giải quyết cho toàn bộ các cá nhân, tổ chức đã tham gia vào hệ thống của mình khi tuyên bố tạm dừng kinh doanh hoặc bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp.

Nhưng đảm bảo quyền lợi rất khó vì người tham gia trước trông đợi vào những khoản lợi nhuận được hứa hẹn rất cao, giờ khoản lợi nhuận này là không thể.

"Tôi cho rằng, cần tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời có những biện pháp khắc phục hậu quả tạm thời; ví như việc cho vay vốn lãi suất thấp để “khởi nghiệp lại” hay là tạo công ăn việc làm cũng như các trợ cấp xã hội khác", luật sư Truyền nói.

Có thể bạn quan tâm