Nhưng sâu bên trong, Dược Cửu Long đang có những cuộc “lột xác” đầy ấn tượng, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị (nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc) Nguyễn Văn Sang.
Thực hiện chiến dịch “săn đầu người”
Nửa đầu năm 2016, Dược Cửu Long ghi nhận con số lãi 41,87 tỷ đồng, lớn hơn lợi nhuận các năm của giai đoạn sau thua lỗ (từ năm 2011) đến trước khi SCIC thoái vốn (hết năm 2014). Tương tự năm 2015, đây tiếp tục là con số tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng mà Công ty đạt được.
Những thay đổi tích cực này của Dược Cửu Long đến từ những cải tiến toàn diện về quản lý điều hành. Nợ xấu là điều mà những người trong cuộc cảm nhận được về Dược Cửu Long, dù Ban lãnh đạo Công ty không hạch toán trích lập dự phòng. Cùng với thay đổi cấu trúc tài chính, làm sạch nợ xấu và làm sạch nguyên nhân tạo ra nợ xấu là vấn đề được Ban lãnh đạo mới của Công ty đặc biệt chú trọng.
Năm 2015, khi F.I.T bắt đầu tham gia sâu vào quản trị Dược Cửu Long, giới tài chính nhận định rằng, việc một tổ chức tham gia vào một doanh nghiệp đặc thù như Dược Cửu Long, sẽ chẳng tạo nên được đột phá, ngoài những hiệu quả mang lại từ tái cấu trúc tài chính, tiết giảm chi phí.
Câu khẳng định của ông Nguyễn Văn Sang về mục tiêu nâng hạng Dược Cửu Long trong bức tranh ngành, cả ở tiêu chuẩn chất lượng nhà máy lẫn vị thế ngành, khiến nhiều chuyên gia phân tích cười khẩy.
Người ta cho rằng, làm tài chính thì khó có thể bật lên đỉnh cao trong vai trò sản xuất được. Không phủ nhận ý kiến này, nhưng bằng cách dùng người, Dược Cửu Long đang chứng minh một điều ngược lại. Ông Sang cho hay, điều quan trọng với việc vận hành doanh nghiệp là biết tìm người xuất sắc ở các lĩnh vực về đầu quân cho doanh nghiệp, chứ không phải mình tự tay làm được gì, bởi mỗi lĩnh vực sẽ có những người đặc biệt xuất sắc riêng.
Ngoài vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính mới để thực hiện kiểm soát chi phí, tối ưu hóa nguồn lực tài chính, giám sát công nợ; năm 2015, Dược Cửu Long có Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh mới là ông Nguyễn Toàn Thắng, với 15 năm kinh nghiệm làm lĩnh vực dược tại các tập đoàn y tế và dược phẩm lớn trong và ngoài nước.
Với nhân sự mới này, cộng với việc rút kinh nghiệm từ những thất thoát của hệ thống phân phối cũ (thông qua chi nhánh, không có kế toán tại chi nhánh để giám sát hàng hóa và các chiến dịch marketing), Dược Cửu Long từ chỗ chỉ có 20 chi nhánh với 100 nhân sự bán hàng kiêm nhiệm đã nâng lên thành 150 nhân sự bán hàng chuyên nghiệp (trong đó có nhiều nhân sự chất lượng cao đến từ GSK – Công ty dược lớn có uy tín trên thế giới) tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.
Chính sách bán hàng từ chỗ hướng đến mục tiêu doanh thu (dẫn đến chọn bán hàng dễ, có biên lợi nhuận thấp) được chuyển thành hướng đến đẩy doanh thu nhóm hàng có biên lợi nhuận cao hơn. Ở mảng phân phối, ông Thắng cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới sẽ tăng gấp 8-10 lần số nhà thuốc khách hàng.
Thay đổi chính sách bán hàng đã giúp Dược Cửu Long đạt được đồng thời 3 mục đích: tăng doanh số và tăng tỷ lệ sinh lời trên giá trị hàng bán, đặc biệt là không phát sinh nợ xấu mới. Không chỉ như vậy, việc hạch toán độc lập hiệu quả các mảng kinh doanh cũng giúp Công ty lần đầu tiên không chịu lỗ mảng thiết bị y tế.
Lần lượt các vị trí quan trọng từ marketing, bán hàng, tài chính đều được Dược Cửu Long mời về. Không chỉ có vậy, trong năm qua, Dược Cửu Long cũng ký được hợp hợp đồng cố vấn với một số nhân sự từng làm lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp dược lớn. Ông Sang cho biết, tiếc nuối nhất của ông là chưa thuyết phục được một nhân vật đặc biệt có tên tuổi trong lĩnh vực Dược tại Việt Nam về làm Tổng giám đốc của Dược Cửu Long, do phát sinh những vấn đề thuộc về cam kết với bên thứ 3.
Thế nhưng, trong tương lai, câu chuyện về nhân sự của Dược Cửu Long có thể sẽ tiếp tục có nhiều hấp dẫn, vì chiến dịch “săn đầu người” của doanh nghiệp này vẫn chưa kết thúc. Cần nhắc lại, trước khi có sự thay đổi về quản lý điều hành, Dược Cửu Long đã từng “ngập trong nợ nần”. Năm 2011, Dược Cửu Long lỗ nặng.
Con số lỗ khổng lồ hơn 30,8 tỷ đồng có nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản chi phí lãi vay tới 75,482 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước về giá trị tương đối, nhưng phần lớn hơn về tuyệt đối nhiều gấp đôi so với mức tăng lợi nhuận gộp. Cùng với đó là chi phí quản lý tăng, chi phí bán hàng tăng vọt…
Dược Cửu Long lỗ là điều dễ hiểu. Cũng năm này, Dược Cửu Long có tới 323,5 tỷ đồng phải thu khách hàng ngắn hạn, bằng hơn 1/2 doanh thu năm. Các năm 2012, 2013, với việc cổ đông lớn nhà nước SCIC xốc lại nhân sự và tình hình kinh doanh tại đây, số dư khoản phải thu khách hàng đã sụt mạnh về mức trên 200 tỷ đồng (cuối năm 2012 là 240 tỷ đồng, cuối năm 2013 là gần 203 tỷ đồng).
Quản lý dư nợ tốt hơn dẫn đến áp lực vay nợ giảm, và cùng với đó là xu hướng giảm dần của lãi suất, chi phí vốn vay của Dược Cửu Long giảm dần từ mức 62,6 tỷ đồng năm 2012 về 36,1 tỷ đồng năm 2013. Từ đây, lợi nhuận của Công ty bắt đầu tăng vọt. Năm 2013, năm liền trước của năm SCIC thoái vốn, Công ty ghi nhận mức lãi hơn 30 tỷ đồng.
Cùng với sự tham gia của Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T trong vai trò cổ đông chi phối, Dược Cửu Long đã tăng mạnh năng lực tài chính, từ đó góp phần giảm áp lực vay nợ, kéo theo đó là chi phí lãi vay. Năm 2015, chi phí lãi vay của Công ty chỉ còn 12,6 tỷ đồng và nửa đầu năm nay, con số này là 4,22 tỷ đồng.
Thế nhưng, chi phí lãi vay không phải là điều quyết định hoàn toàn đến lợi nhuận Công ty. Khoản tiếp kiệm 10 tỷ đồng lãi vay trong năm 2015 so với năm 2014 không đủ để tạo nên con số tăng xấp xỉ 29 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của Dược Cửu Long, nhất là khi trong năm 2015, Dược Cửu Long thực hiện trích lập tới 11,64 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi (năm 2014 là 7 tỷ đồng). Nguyên nhân có lẽ tới từ hiệu quả của chiến lược “săn đầu người” của ông Nguyễn Văn Sang.
Chờ đợi một sức bật mới
Phân tích chi tiết hơn hoạt động của Dược Cửu Long, có thể thấy rằng, hiệu quả kinh doanh hiện tại đang được đóng góp bởi yếu tố tăng quy mô tài chính và tối ưu hóa hoạt động hệ thống, cùng chính sách bán hàng mới. Dược Cửu Long có tăng thêm một số sản phẩm, nhưng về cơ bản, các sản phẩm này chưa thể tạo ra sức bật mới về hiệu quả kinh doanh cho Công ty, nhất là hoạt động của Công ty đang tiến tới vượt ngưỡng công suất.
Một năm rưỡi qua có lẽ là khoảng thời gian củng cố sức khỏe cho một bộ máy và từ đó tạo nên hiệu quả, hơn là một sự tăng trưởng nhờ chiến lược đầu tư mới. Chỉ đến tận đầu tháng 8/2016, Công ty mới có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc mở rộng nhà máy sản xuất viên nang rỗng (capsule), với quy mô vốn đầu tư 400 tỷ đồng, kỳ vọng làm tăng gấp 3 lần doanh thu so với hiện nay.
Viên nang rỗng vốn là mảng sản xuất khá đặc thù vì tính yêu cầu kỹ thuật cao và hiện nay, thị trường trong nước đang chủ yếu được chia bởi 2 nguồn chính: Dược Cửu Long và hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc (với thị phần của Dược Cửu Long trên 40%). Phải đến quý III/2017, khi nhà máy mới đi vào hoạt động, thị trường mới có thể biết được chính xác hiệu quả của hoạt động đầu tư này.
Nhưng có lẽ, với tham vọng nâng tầm Dược Cửu Long mà Ban lãnh đạo Công ty đã đưa ra, thì một hoạt động đầu tư này là chưa đủ. Một năm qua, công ty này khá kín tiếng trong việc chia sẻ định hướng phát triển, dù trên website của Công ty vẫn thi thoảng cập nhật về các cuộc làm việc và xúc tiến kinh doanh với các đối tác lớn.
Những nỗ lực của ông Sang và cộng sự đến thời điểm này đã cho quả ngọt, xét trên cả khía cạnh về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, hay về giá trị thị trường khoản đầu tư. Nhưng rõ ràng, vẫn còn cần rất nhiều thời gian để có thể xóa được sự nghi ngờ của công chúng đầu tư về tham vọng nâng Dược Cửu Long lên thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành dược cả nước, nhất là những vấn đề thuộc về đầu tư mở rộng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngành Dược đang ngày một gay gắt.
Theo Bùi Sưởng/ĐTCK