Theo đó, ngày 25/10/2018, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) đã ký văn bản số 703/TTĐHSX-MT+VTM về việc tăng cường quản lý công tác chuyển giao chất thải công nghiệp và chất thải công nghiệp thông thường có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, văn bản có nội dung rất cứng rắn này nêu: “TKV yêu cầu các đơn vị (trên địa bàn Quảng Ninh – P.V) chuyển giao toàn bộ chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh của đơn vị cho Công ty TNHH MTV Môi trường TKV để xử lý, không chuyển giao cho đơn vị ngoài TKV. Tập đoàn sẽ xem xét trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và người đại diện TKV tại các công ty Cổ phần nếu còn để xảy ra tình trạng chuyển giao chất thải nguy hại cho các đơn vị ngoài TKV”.
Được biết, Công ty TNHH MTV Môi Trường TKV là công ty con thuộc TKV, nhưng hạch toán độc lập với công ty mẹ. Được thành lập từ năm 2009, Công ty TNHH MTV Môi trường TKV, có địa chỉ tại Phường Cẩm Thủy, Thành phố Cẩm Phả, Tỉnh Quảng Ninh.
Về năng lực, Công ty TNHH MTV Môi Trường TKV mới được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý số chất thải nguy hại trong danh mục 153 mã chất thải nguy hại đã được cấp phép.
Đáng lưu ý, với một số mã chất thải nguy hại ngoài danh mục cấp phép nêu trên, Công ty TNHH MTV Môi trường TKV đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh, xin chấp thuận được thực hiện dịch vụ vận chuyển chất thải nguy hại và chuyển giao trách nhiệm xử lý cho Công ty TNHH Môi trường Phú Hà và công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh.
Như vậy, cả về thủ tục pháp lý và năng lực tự thân, Công ty TNHH MTV Môi trường TKV đều chưa đủ, chưa nói đến tới chuyện phục vụ xử lý được toàn bộ chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh của tất cả các đơn vị thuộc TKV vốn lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm, với hàng trăm danh mục.
Thực tế là, hàng chục năm qua, dù rất mong muốn, TKV chưa bao giờ chủ động tự xử lý được hàng chục triệu tấn chất thải mỗi năm do hoạt động khai thác của tập đoàn này tạo ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Lý do vì suất đầu tư quá lớn và địa bàn phát sinh chất thải bị dàn trải.
Bên cạnh đó, khác biệt về đặc điểm khai thác từng mỏ, từng khai trường kéo theo chi phí giải quyết nguồn thải cũng chênh lệch khác nhau, đó cũng là điều khiến hoạt động xử lý chất thải của các thành viên TKV tại Quảng Ninh khác nhau, không thống nhất, và gây khó khăn cho chính TKV trong kiểm soát hoạt động bảo đảm môi trường trong khai thác, kinh doanh tại Quảng Ninh.
"Trong tình thế ấy, việc thu hoạt động xử lý chất thải về một mối – cụ thể ở đây là về một doanh nghiệp không đủ năng lực, thì cũng có nghĩa Công ty TNHH MTV Môi trường TKV sẽ buộc phải liên doanh, liên kết, hoặc thuê lại các đơn vị khác triển khai thực hiện nhiệm vụ mà tập đoàn giao liên quan tới chất thải.
Trong trường hợp này, mục tiêu lập lại trật tự trong xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất của TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ không đạt. Mà thay vào đó, chỉ đạo của TKV sẽ tạo đặc quyền đặc lợi cho một doanh nghiệp thuộc ngành, và đó là vi phạm các quy định hiện hành.
Mặt khác, chỉ đạo bắt buộc của TKV cũng có dấu hiệu vi phạm luật về Thương mại và cạnh tranh. Chẳng hạn, điều 11 luật Thương mại 2005 quy định rất rõ, các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó. Đồng thời, trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào.
Còn theo điều 8 luật Cạnh tranh, thì Nhà nước nghiêm cấm có các hành vi làm tổn hại tới việc cạnh tranh. Trong đó có bao gồm việc cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Với các hình thức cụ thể là ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với chỉ đạo của mình, TKV vừa vi phạm pháp luật, và vừa đưa ra một chỉ đạo không có giá trị chấp hành đối với người đứng đầu các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn này tại Quảng Ninh. Bởi lẽ, điều lệ của chính TKV cũng chưa từng có quy định bắt buộc các doanh nghiệp thành viên buộc phải sử dụng dịch vụ do tập đoàn cung cấp. Nói cách khác là kể cả khi có doanh nghiệp không chấp hành chỉ đạo phải thuê Công ty TNHH MTV Môi trường TKV xử lý chất thải, thì Ban Tổng giám đốc TKV cũng không thể dựa trên việc không chấp hành một chỉ đạo sai luật để xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp này.
Lưu ý là, cũng theo điều 8 luật Cạnh tranh, Nhà nước nghiêm cấm việc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Hay ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, quy định này cũng cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh. Và nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.