Mức giá chào bán hầu hết đều cao hơn thị giá cổ phiếu hiện tại của các doanh nghiệp này. Đây không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, chính việc chào bán với mức giá này khiến không ít đợt chào bán đã không được tổ chức (do không có nhà đầu tư nào đặt mua) hoặc dù có được đặt mua thì buổi đấu giá cũng không thành công do không đạt được sự đồng thuận đôi bên.
Những màn chào giá “siêu ấn tượng”
Đơn cử, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo chào bán cạnh tranh (thoái vốn) theo lô cổ phần của Công ty Cổ phần Sửa chữa Đường bộ và xây dựng tổng hợp Quảng Bình (Mã chứng khoán: PAI) với giá khởi điểm 11,255 tỷ đồng cho 267.730 cổ phần vào ngày 9/3.
Với giá chào bán này, cổ phiếu PAI đang được Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước chào bán với giá khoảng 42.000 đồng/cổ phần, cao hơn hẳn giá cổ phiếu PAI đang được giao dịch hiện nay là 12.200 đồng/cổ phiếu. Ngày 18/1/2023, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cũng đã tổ chức đấu giá trọn lô cổ phần của công ty này nhưng không thành công vì không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thông báo chào bán vốn của các doanh nghiệp với mức giá ấn tượng như vậy. Trước đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã thông báo sẽ tổ chức phiên chào bán đấu giá trọn lô 3,2 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Giải trí Quốc tế Lợi Lai với giá khởi điểm gần 230 tỷ đồng.
Điều đáng nói, đây cũng là lần chào bán thứ 2 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước với Công ty Giải trí Quốc tế Lợi Lai. Sau lần chào bán thứ nhất vào ngày 6/12 không được tổ chức do không có nhà đầu tư nào đăng ký, mức giá chào bán tại lần thứ 2 này vẫn được giữ nguyên, không thay đổi.
Mới đây nhất, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thông báo sẽ lô cổ phần 38,5 triệu đơn vị của Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (Mã chứng khoán: VEC) vào ngày 28/3 tới với mức khởi điểm hơn 1.066 tỷ đồng, tương đương 27.679 đồng/cổ phần.
Điều đáng nói ở đây cũng chính là về mức giá chào bán. Mức giá này đang cao hơn thị giá cao nhất mà cổ phiếu VEC từng thiết lập là 21.600 đồng/cổ phần vào ngày 6/1/2022. Hiện, cổ phiếu VEC chỉ đang giao dịch ở mức 10.500 đồng/cổ phần (giá tham khảo sáng 15/3), thấp hơn nhiều so với mức giá khởi điểm mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đưa ra. Thanh khoản giao dịch của cổ phiếu VEC cũng rất hạn chế.
Có "tiền sử bán ế" nhưng quyết không giảm, vì sao?
Thực chất, khi quyết định mua trọn lô cổ phần lớn như vậy, điều mà các nhà đầu tư quan tâm không phải là sự chênh lệch giá cổ phiếu ở thời điểm đấu giá so với thị trường mà chính là việc mua trọn lô cổ phần có giúp họ sở hữu lượng cổ phần giúp họ có vị trí trong Hội đồng quản trị, ban điều hành của các doanh nghiệp này hay không. Mục tiêu của các nhà đầu tư khi quyết định chơi lớn là tham gia quản trị, tái cấu trúc doanh nghiệp, tác động đến phương hướng kinh doanh của doanh nghiệp hay đơn giản hơn là hướng đến tài sản mà doanh nghiệp này đang sở hữu...
Nhưng cũng không thể kể đến yếu tố thị trường có tác động lớn đến quyết định của các nhà đầu tư. Bởi việc bán vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước sẽ gắn liền với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Nếu thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp được chào bán tăng trưởng thuận lợi thì việc thoái vốn sẽ diễn ra suôn sẻ và ngược lại.
Việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thông báo bán vốn của các doanh nghiệp kể trên diễn ra trong những tháng đầu năm 2023. Đây là thời điểm thị trường chứng khoán diễn ra không suôn sẻ. Chỉ số VN-Index có những thời điểm rơi xuống ngưỡng dưới 1.000 điểm (Vào ngày 26/12, chỉ số VN-Index đã rơi xuống mức 985 điểm). Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, chỉ số VN-Index luôn "rập rình" quanh ngưỡng 1.000 điểm và khó lòng bứt phá do tác động tiêu cực của các doanh nghiệp bất động sản và thị trường trái phiếu. Và có lẽ, việc thoái vốn của Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đang đi ngược quy luật thị trường?
Mục tiêu của việc thoái vốn là tạo nên một luồng gió mới cho các doanh nghiệp Nhà nước để có thể kinh doanh hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước từng cho biết, cần phải phải phân tích rất kỹ thế nào là một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mới đưa đến quyết định có tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn hay không chứ không phải bất cứ doanh nghiệp nào đang đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước sẽ loại ra khỏi danh sách thoái vốn, cổ phần hóa. Đó là lý do mà trong năm 2022, danh sách các doanh nghiệp thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước không có những doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả như Nhựa Tiền Phong (mã NTP), Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), CTCP FPT (mã FPT), Sabeco (mã SAB), Vinatex (mã VGT), Dược Hậu Giang (mã DHG)…
Nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp được thoái vốn kể trên được xếp vào danh sách những doanh nghiệp hoạt động không nổi bật. Phản ứng không mấy tích cực của thị trường với thông tin thoái vốn tại các doanh nghiệp này đã cho thấy điều đó. Năm 2023, Chính phủ đã ra yêu cầu đặc biệt là phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước trong đó có danh sách thoái vốn của Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước. Muốn đầu giá thành công, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cần phải thay đổi phương án bán vốn hoặc giảm giá khởi điểm của các lô cổ phần. Dù vẫn biết mục tiêu cơ bản thứ hai của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước là mang lại nguồn thu hiệu quả nhất cho ngân sách Nhà nước sau những màn thoái vốn.
Năm 2022, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước lên kế hoạch thoái vốn tại 101 doanh nghiệp với mục tiêu “bán hết” cổ phần nắm giữ nhưng đến bây giờ, số lượng doanh nghiệp bán vốn thành công chỉ vỏn vẹn 17 doanh nghiệp. Hiện, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước vẫn chưa công bố danh sách các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn năm 2023 tuy nhiên, nhìn vào kết quả này, có thể thấy, áp lực thoái vốn năm 2022 vẫn còn hiện hữu và danh sách năm 2023 vẫn sẽ còn xuất hiện nhiều cái tên cũ.