TP. HCM đề xuất kêu gọi đầu tư 7 công trình tổng vốn 9,4 tỷ USD

UBND TP. HCM đề xuất đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài 5 năm tới đối với 4 tuyến đường sắt đô thị và 3 công trình khác.
TP. HCM đề xuất kêu gọi đầu tư 7 công trình tổng vốn 9,4 tỷ USD

UBND TP. HCM vừa có báo cáo gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong đó đề xuất kêu gọi đầu tư với 7 công trình được chọn lựa từ 27 dự án đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, thứ nhất tuyến Metro Số 2 (giai đoạn 2 gồm 2 đoạn tuyến: Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - bến xe Tây Ninh ở Củ Chi) dài 9,1 km với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Mục tiêu dự án sẽ giúp kết nối hành khách từ tây bắc thành phố tới trung tâm, trung chuyển với các tuyến metro khác và đường sắt quốc gia, tương lai sẽ kết nối tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Thứ 2 là tuyến Metro Số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) dài hơn 19,5 km, tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Dự án nhằm kết nối với các tuyến metro khác tại ga Bến Thành (quận 1) để vận chuyển khách từ trung tâm đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, định hướng kết nối TP Tân An (Long An).

Thứ 3 là tuyến Metro Số 4 (Thạnh Xuân - KCN Hiệp Phước) dài 36,2 km, tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ USD, mục tiêu vận chuyển khách dọc theo các khu dân cư đông đúc nhất của thành phố qua khu vực Bến Thành theo trục Bắc – Nam.

Thứ 4 là tuyến Metro Số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) gần 9 km có tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. Đây là một trong 3 tuyến metro thuộc dự án danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Cùng với 4 tuyến metro, 3 công trình khác cũng được thành phố đề xuất đưa vào danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ, Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc đều ở thành phố Thủ Đức. 

Theo đề xuất của UBND TP. HCM, thành phố mong muốn được hợp tác xây dựng các tuyến Metro này với các tổ chức chính phủ có nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các tập đoàn lớn, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có năng lực tài chính và công nghệ. Hình thức đầu tư ODA hoặc PPP (đối tác công - tư).

UBND TP. HCM, giai đoạn 2016 - 2020, TP có 11 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư, nhưng đến nay mới có dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế tại huyện Hóc Môn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đang triển khai.

Theo UBND TP. HCM, việc các dự án vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vì nhà đầu tư chưa nhìn thấy hiệu quả rõ nét khi tham gia các dự án giao thông, đường sắt đô thị. Trong khi, các dự án giao thông, đường sắt đô thị có quy mô và vốn đầu tư lớn, đặc biệt là chi phí liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi cần phải có các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực phù hợp. 

Hiện nguồn vốn vay ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị ngày càng được thắt chặt, trong khi đó, quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) áp dụng cho dự án giao thông, đường sắt đô thị vẫn còn nhiều bất cập.

Có thể bạn quan tâm