Ngày 1/12/2018, Canada đã bắt giữ bà Mạnh - Giám đốc tài chính đồng thời là con gái của người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc bà Mạnh “âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính” và “lách” lệnh trừng phạt Mỹ áp dụng lên Iran.
Canada ngày 3/1 cho biết, sau sự kiện trên, 13 công dân nước này đã bị bắt ở Trung Quốc, trong đó có ít nhất 8 người đã được thả. Tuy nhiên, phía Ottawa không cung cấp thông tin chi tiết về việc những người được thả có vướng bất cứ cáo buộc nào hay không.
Cho tới trước ngày 3/1, chỉ có 3 vụ bắt giữ công dân Canada được công khai. Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đã leo thang kể từ khi bà Mạnh bị bắt.
Chính phủ Canada nhiều lần nói rằng, họ chưa tìm được điểm liên quan giữa sự việc bà Mạnh bị bắt với các vụ bắt công dân Canada kể trên. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và cựu ngoại giao Phương Tây nói rằng, đây dường như là động thái trả đũa của Bắc Kinh.
Bà Mạnh đã được tại ngoại ngày 11/12 với khoản bảo lãnh 10 triệu đô la Canada. Bà hiện đang bị quản thúc tại 2 căn nhà triệu USD ở thành phố Vancouver và đang đối diện với việc bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.
Nữ giám đốc tài chính 46 tuổi phải đeo thiết bị giám sát ở cổ chân và không được phép rời khỏi nhà riêng từ 23h hôm trước tới 6h hôm sau. Bà cũng có một đội an ninh riêng theo sát đường đi nước bước, đề phòng việc bà có thể rời Canada.
Trong số 13 công dân Canada bị tạm giữ có nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, doanh nhân Michael Spavor và giáo viên Sarah McIver.
Cô McIver đã được trả tự do và trở lại Canada trong khi ông Kovrig và Spavor vẫn đang bị giam giữ. Các quan chức lãnh sự quán Canada đã gặp gỡ 2 người này hồi giữa tháng 12 năm ngoái.
Tổng cộng, có khoảng 200 người Canada đã từng bị Trung Quốc bắt giữ với nhiều lý do và một phần trong số đó đang phải đối diện với các thủ tục pháp lý. Trong khi đó, số người Canada bị Mỹ bắt giữ là 900 người.