Trái chiều công tác cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước năm 2020

Theo CTCK Yuanta Việt Nam, năm 2020, hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước sẽ diễn ra sôi nổi nhưng hoạt động thoái vốn có thể chậm và không đúng kế hoạch đề ra khi thị trường chứng khoán đang gặp các yếu tố rủi ro từ bên ngoài.
Trái chiều công tác cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước năm 2020

CTCK Yuanta Việt Nam vừa đưa ra báo cáo đánh giá hiệu quả doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dựa trên dữ liệu thu thập 896 doanh nghiệp từ 2005 đến nay, trong đó 480 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn thu về hơn 185.000 tỷ đồng, 416 doanh nghiệp cổ phần hóa với giá trị hơn 181.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Yuanta Việt Nam, năm 2020 hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ diễn ra sôi nổi với nhiều doanh nghiệp đã được nhắc tới trong quyết định số 26 của Thủ tướng Chính phủ buộc 93 đơn vị phải cổ phần hóa như Mobifone, Agribank, Vinacomin, Vinafood I, GEN1, GEN2,… Trong khi đó hoạt động thoái vốn có thể sẽ diễn ra chậm và không đúng kế hoạch đề ra khi thị trường chứng khoán đang gặp các yếu tố rủi ro từ bên ngoài.

Theo kế hoạch, sẽ có 127 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020. Tới nay chỉ có 37 doanh nghiệp trong danh mục 127 doanh nghiệp thực hiện, đạt 29% so với kế hoạch. Với kế hoạch thoái vốn nhà nước tại 406 doanh nghiệp trị giá khoảng 60.000 tỷ đồng, hiện tiến hành được tại 44 doanh nghiệp thu về giá trị 4.566 tỷ đồng, đạt 7,5% so với kế hoạch.

Tỷ lệ thoái vốn đạt 53,3% với giá thoái vốn trung bình 44.763 đồng/cổ phiếu (dữ liệu loại trừ 1 trường hợp đột biến của CTCP In báo Lào Cai thoái vốn ngày 17/12/2019 với giá trung bình 16,5 triệu đồng/cổ phiếu).

Theo quy định các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa 90 ngày phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM nhưng mới chỉ 64,2% doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Về chất lượng doanh nghiệp sau cổ phần hoá, Yuanta Việt Nam cho biết, sau khi có các nhà đầu tư bên ngoài tham gia, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt. Theo đó, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3 năm sau thoái vốn là 15,4%, trước đó chỉ đạt 12,4%; lợi nhuận trên tài sản (ROA) trung bình trước thoái vốn là 1,5% , trong và sau khi thoái vốn đạt 1,6%.

Tuy nhiên, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giảm dần sau cổ phần hóa. Trước khi thoái vốn, tăng trưởng tổng tài sản có xu hướng tăng sau đó chững lại, tới năm thứ 2 mới dần cải thiện. Khả năng doanh nghiệp sau thoái vốn mất khoảng 2 năm để tái cơ cấu lại tài sản, đồng thời cải thiện hiệu quả qua tăng trưởng lợi nhuận sau thuế.

Có thể bạn quan tâm