Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thuở lập nghiệp ở Kharkov

Trên tờ báo địa phương, cựu thị trưởng Kharkov, ông Mikhail Pilipchuk lý giải khởi nguồn thịnh vượng của vị tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng tại thành phố này.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thuở lập nghiệp ở Kharkov

Hình ảnh tỷ phú Phạm Nhật Vượng thời trẻ trên tờ Tin tức Kharkov. Ảnh: kharkov.ua.

Kharcov nổi tiếng bởi nhiều tên tuổi lớn, tờ Tin tức Kharkov bắt đầu bài viết của mình về vị tỷ phú người Việt Phạm Nhật Vượng.

Tờ báo nêu rõ, thành phố đã cấp tấm vé thông hành vào đời cho những người đoạt giải Nobel, những nhà thiết kế thiên tài, những nhà bác học vĩ đại, những nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn nổi tiếng và cả những nhà vô địch Olympic. Trong lịch sử của thành phố cũng đã có những doanh nhân lớn, song với tỷ phú, hơn nữa lại là người nước ngoài, thì mãi gần đây mới có.

Và vị tỷ phú người nước ngoài đầu tiên tại đây là Phạm Nhật Vượng, người đã tạo nên những kỳ tích mang tên Việt Nam, tờ báo viết.

Tờ Tin tức Kharcov dẫn lại Tạp chí nổi tiếng thế giới Forbes gọi ông Vượng là Donald Trump của Việt Nam. Tập đoàn Vingroup của ông hiện nằm trong top 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tập đoàn của vị tỷ phú này đã đầu tư xây dựng nhiều khách sạn thời thượng, những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những khu đô thị và trung tâm thương mại sầm uất, những bệnh viện và trường học đẳng cấp quốc tế.

Theo Forbes, tài sản của tỷ phú đầu tiên của Việt Nam Phạm Nhật Vượng hiện tại đã vượt quá con số 2 tỷ USD. Tên của ông trong tiếng Việt nghĩa là “sự phồn vinh”, tờ báo địa phương này viết và nhận định sự phồn vinh của vị tỷ phú này “khởi nguồn từ thành phố Kharcov vào những năm 1990 khó khăn của Ucraina".

“Việc đó diễn ra như thế nào?” - tờ Tin tức Kharkov nêu câu hỏi và tìm câu trả lời qua cuộc trò chuyện với nguyên thị trưởng Kharkov giai đoạn 1996-2002, ông Mikhail Pilipchuk.

- Thưa ông Mikhail, Phạm Nhật Vượng có phải là doanh nhân trẻ tuổi đã xây dựng nên thương hiệu nổi tiếng “Mivina” tại Ucraina?

- Đúng là ông ấy đấy. Đầu những năm 1990, sau khi tốt nghiệp trường Địa chất thăm dò Matxcơva, ông ấy xuống Kharkov cùng với vợ. Tại thành phố này lúc đó có khá nhiều người Việt Nam. Hàng trăm người Việt Nam làm việc ở các nhà máy “Búa liềm”, nhà máy động cơ máy kéo và những cơ sở công nghiệp khác. Nhiều sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp cũng ở lại đây.

Vào những năm 1990, cũng như nhiều người Kharkov khác, họ không có việc làm và phương tiện sinh sống. Nhiều người cố gắng kiếm sống tại khu chợ cạnh bến Metro “Akademik Barabasova”, lập các doanh nghiệp tư nhân.

Ông Vượng đến đây chỉ với vài nghìn đôla Mỹ vay từ bạn bè. Với số vốn ít ỏi này, hai vợ chồng ông mở nhà hàng tại khu nhà ăn cũ của nhà máy xe tăng Malyshev trên đại lộ Geroev Stalingrada. Với đồ ăn ngon và hợp túi tiền, nhà hàng nhanh chóng được người dân cũng như khách của thành phố Kharkov biết đến.

- Đó là nhà hàng Thăng Long hiện tại phải không?

- Không phải. Nhà hàng Thăng Long mà tôi đang nói tới là nhà hàng cũ. Còn nhà hàng Thăng Long mới và khu thương mại bên cạnh là công trình được xây dựng sau đó khi đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, đặc biệt là ngành kinh doanh ẩm thực.

- Vậy còn khu nhà ở trên diện tích của nhà máy động cơ máy kéo cũ cũng là dự án của ông ấy?

- Đúng. Và không chỉ có khu này. Nhà máy vào thời điểm đó đã phá sản và bị bỏ không. Vào những năm khủng hoảng kinh tế và tài chính, khi các cửa hàng trống rỗng và chế độ tem phiếu cho hàng loạt mặt hàng được áp dụng, Phạm Nhật Vượng và các cộng sự của mình đã bắt đầu sản xuất mì ăn liền tại Kharkov. Khi đó chỉ có 30 công nhân làm việc tại nhà máy.

Loại mì còn lạ lẫm ấy được gọi tên Mivina nhanh chóng trở nên quen thuộc với thị trường Kharkov và Ucraina. Các chi nhánh được mở thêm liên tục tại các thành phố khác. Loại thực phẩm có chất lượng tốt, nhưng giá rẻ và được sản xuất từ các nguyên liệu nội địa của Ucraina này trong thời gian ngắn đã được bán rộng rãi trên 30 quốc gia - Estonia, Litva, Latvia, Moldavia, Ba Lan, Đức, Israel...

Các cơ sở sản xuất được mở rộng không ngừng, Mivina bắt đầu sản xuất thêm khoai tây ăn liền. Các nhà máy gia vị và bao bì cũng nhanh chóng được đưa vào hoạt động. Cùng với Mivina, các xí nghiệp này trở thành thành viên của Tập đoàn Technocom.

Phạm Nhật Vượng nhìn thấy tương lai phát triển và đã đề nghị chính quyền thành phố giúp đỡ tìm thêm diện tích sản xuất. Các cơ sở bị bỏ hoang của các nhà máy xe tăng Malyshev, nhà máy Ucrelektromash rất phù hợp với mục đích này.

Technocom đã đảm bảo việc làm cho 3.000 lao động, trả lương ổn định và chế độ phúc lợi tốt, bao gồm cả cung thể thao và khu nghỉ ngoại ô.

- Thành phố cũng có lợi từ hoạt động của các xí nghiệp này chứ?

- Tất nhiên rồi. Tập đoàn Technocom là một trong các doanh nghiệp đầu tiên tham gia Chương trình ưu đãi đầu tư trên lãnh thổ Kharkov, luật đầu tư vào đây có hiệu lực từ năm 2000. Tập đoàn đã đảm bảo việc làm cho hàng nghìn người, nộp thuế lớn và là người tài trợ thường xuyên của nhiều chương trình y tế, môi trường, văn hóa xã hội của thành phố.

Bản thân ông Vượng cũng tích cực tham gia vào đời sống xã hội của thành phố. Vào năm 1998 khi Ủy ban nhân dân thành phố quyết định xây nhà trẻ mới bằng nguồn vốn xã hội thì ông Vượng đã đóng góp hệ thống sưởi và hệ thống nước nóng cho bể bơi. Trong buổi lễ khánh thành ông ấy tặng cho các cháu nhỏ một bể cá lớn với các loại cá lạ được đưa đến từ Việt Nam.

Ông ấy biến rạp chiếu phim “Salut” bị bỏ quên thành trung tâm văn hóa của quận, biến khu nhà trẻ bị bỏ hoang thành một khách sạn ấm cúng.

Ông Vượng cũng nhiều lần tài trợ các chuyến thi đấu tại nước ngoài của các cầu thủ bóng chuyền Kharkov. Đầu những năm 2000, ông ấy đã bán doanh nghiệp của mình ở Kharkov và trở về Việt Nam.

- Như Forbes đã viết thì 150 triệu USD kiếm được tại Ucraina, ông Vượng đã đầu tư vào tổ hợp khách sạn đầu tiên. Còn bây giờ thì số lượng khách sạn đã lên đến con số 7 cơ sở. Vị tỷ phú mơ ước biến thành phố quê hương Hà Nội và TP.HCM trở thành các trung tâm kinh tế như Hong Kong và Singapore. Vậy theo ông, có thể ông ấy cũng vẫn nhớ đến Kharkov - quê hương thứ hai của mình và sẽ quay lại đầu tư vào thành phố chứ?

- Có thể lắm chứ. Mặc dù đã lâu không gặp, nhưng tôi vẫn dõi theo và biết ông Vượng vẫn như vậy, vẫn là người như tôi đã biết như trước đây: rất chuyên nghiệp, đầy năng lượng, đầy ý tưởng sáng tạo, không thích sự tung hô, màu mè, ồn ào xung quanh mình.

Ông ấy vẫn thích chơi bóng đá như trước. Tôi muốn tin rằng, vào ngày nào đó tôi sẽ được đá cùng với ông ấy trong một đội hình - đội hình Kharkov.

Theo Trí Dũng- Zing/Kharkov.ua

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…