Vẫn có hàng trăm cổ phiếu "miễn dịch" với Covid-19

Trong giai đoạn "đen tối" vừa qua của thị trường chứng khoán khiến giá trị của đa phần các cổ phiếu sụt giảm. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm cổ phiếu "miễn nhiễm" với Covid-19 ghi nhận mức tăng lên tới hơn 50%.
Vẫn có hàng trăm cổ phiếu "miễn dịch" với Covid-19

Tính đến ngày 17/4, có 2 cổ phiếu đã tăng đến hàng trăm % so với ngày 22/1- phiên giao dịch vuối cùng của năm Mậu Tuất là GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (tên cũ: CTCP GAB) và SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/4, cổ phiếu SHB có giá 18.000 đồng/cp ghi nhận mức tăng 183%: GAB tăng 276% lên 145.500 đồng/cp, nếu so với mức giá 16.300 đồng/cp hồi cuối năm 2019 thì GAB đã tăng xấp xỉ 800%.

Tăng liên tục từ đầu năm nhưng hiện vẫn chưa có lý do chính thức nào có thể giải thích cho mức tăng quá lớn của bộ đôi cổ phiếu này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có khá nhiều nguyên nhân xuất phát từ yếu tố nội tại hơn là một xu hướng chung.

Trước đó, SHB chìm dưới mệnh giá trong nhiều năm liên tiếp, thậm chí còn được đánh giá là cổ phiếu "thảm" nhất nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay SHB được đánh giá là hiện tượng đáng chú ý nhất khi trở thành một trụ đỡ chính cho HNX-Index đi qua mùa dịch.

Vừa qua, ngân hàng này đã tiến hành đồng thời chi trả cổ tức bằng 251 triệu cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng, vốn điều lệ tăng thêm 5.500 tỷ đồng lên hơn 17.500 tỷ đồng (tương đương tăng hơn 45%). Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, nhưng so với mặt bằng chung thì các con số của SHB không quá nổi trội.

Thực tế, khi giá cổ phiếu SHB tăng vọt, có những “đồn đoán” rằng SHB đang thuộc một trong hai ngân hàng sẽ được phép nới room ngoại lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trước đó, một chuyên gia phân tích tài chính chứng khoán cũng cho biết, SHB được đánh giá là cổ phiếu có lợi thế từ thanh khoản đến các chỉ số cơ bản tăng trưởng rõ rệt, và hơn hết là lợi thế còn room cho khối ngoại đầu tư (hơn 19%) được xem là một trong những điểm nhấn đầu tư hấp dẫn của cổ phiếu này.

Hay như đối với trường hợp của GAB, từ trước đến nay những cổ phiếu thuộc “họ” FLC như GAB, AMD (FLC Stone), ROS (FLC Faros) được giới đầu tư coi như là những mã “siêu đầu cơ” với lượng thanh khoản "khủng" trong một phiên. Và đây cũng là nhóm có “hệ miễn dịch” tốt nhất thị trường trong cơn khủng hoảng Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, động lực chính để các mã này "vượt bão" chính là tham gia các cuộc chơi M&A nội bộ.

Trong vòng một tháng qua, GAB đưa ra liên tiếp hai kế hoạch sáp nhập với những “người anh em” có chung gốc gác sở hữu từ lãnh đạo Tập đoàn FLC là FLC Stone và FLC Faros, sẽ được trình cổ đông thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 4.

Nhìn vào những động thái này của nhóm các doanh nghiệp "họ" FLC, nhiều nhà đầu tư nhớ lại một tuyên bố cũ của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC rằng, nếu không đưa được cổ phiếu ROS về mức giá "ba chữ số" trong năm 2020 thì sẽ tự tuyên bố phá sản.

Thực tế, những thông tin đồn đoán về hoạt động M&A thường được xem là những nhân tố quan trọng thúc đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Còn nhớ, trong 2 tháng đầu năm 2020, cổ phiếu VPB cũng tăng mạnh sau thông tin về việc bán vốn FE Credit.

Một số cái tên đáng chú ý trong danh sách tăng mạnh so với đại dịch có thể kể đến như QCG của Quốc Cường Gia Lai (tăng 63%), YEG của Yeah1 (59%), DBC của Dabaco (41%), SVC của Savico (23%)… 

Các cổ phiếu này đều có những câu chuyện riêng như Yeah1 bật lại sau khi đã giảm tới trên 80% giá trị vì sự cố với Youtube dẫn đến thua lỗ lớn trong năm 2019. Đầu năm nay, phía Tân Hiệp Phát đã trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ hơn 20% cổ phần của công ty truyền thông này.

Đà tăng của Savico đến đồng thời với động thái thoái vốn của một loạt quỹ ngoại còn với Dabaco là kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ ngành chăn nuôi khởi sắc. Lợi nhuận sau thuế quý 1 của Dabaco tăng vọt lên mức kỷ lục 348 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 20 tỷ. 

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, nên cũng thể hiện được vị thế của cổ phiếu "vua" với phần lớn cổ phiếu đều tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho biết, có hai phân khúc trong nền kinh tế, đó là hàng hóa và tiền tệ. Phân khúc hàng hóa đang gặp khủng hoảng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhưng với phân khúc tiền tệ, chuỗi cung ứng chưa bị gián đoạn nên chưa bị ảnh hưởng.

Có thể bạn quan tâm