Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố “Sách trắng 2020” về những vấn đề kinh tế tại Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh đến cuộc cạnh tranh không công bằng giữa xe lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu. EuroCham cho rằng, Chính phủ đang tạo điều kiện để xe lắp ráp trong nước có lợi thế lớn hơn xe nhập khẩu.
Theo EuroCham, việc kích thích tiêu thụ trên thị trường ô tô là việc làm cần thiết trong bối cảnh khách hàng đang phải cố gắng để duy trì hoạt động và cần nhiều thời gian để khôi phục chuỗi cung ứng từ tình trạng gián đoạn.
“Việc ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước như một biện pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng trong nước là không phù hợp trong thời điểm đại dịch Covid-19 rõ ràng là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sự phân biệt đối xử theo hướng ưu tiên xe lắp ráp trong nước không thể hiện động thái tích cực của Việt Nam với Liên minh châu Âu khi EVFTA dự kiến sớm đi vào hiệu lực”, EuroCham cho hay.
“Ngày 28/4, Fitch Rating dự báo doanh số bán xe mới của Việt Nam cho cả năm 2020 sẽ giảm 21,8%. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số 4 tháng đầu năm 2020 đạt mức thấp nhất trong 5 năm khi giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn khoảng 61.000 xe. Dịch vụ hậu mãi hiện đã giảm 30-40%”, EuroCham thông tin.
Trước vấn đề này, EuroCham cho rằng cần xóa bỏ phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế, thay vì chỉ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước thì áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới. Đồng thời, khuyến nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa xe lắp ráp và nhập khẩu.
Trong số 19 thương hiệu ô tô nhập khẩu, EuroCham chỉ ra rằng chỉ có Peugeot và Mercedes-benz được hưởng trọn vẹn lợi ích từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ mà Chính phủ vừa ban hành, trong khi các thương hiệu khác thì không.
Cũng tại Sách trắng 2020, EuroCham cũng đưa ra khuyến nghị liên quan tới Nghị định 116 (ban hành ngày 17/10/2017) về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, EuroCham đề xuất chỉ nên thực hiện kiểm tra 1 lần trong lần thông quan đầu tiên cho các bộ phận và các thiết bị nhập khẩu phục vụ ngành kinh doanh ô tô trong nước.
Cũng trong báo cáo này, EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục công nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của UNECE/ECE và báo cáo kiểm định đính kèm xe ô tô, đặc biệt là thời điểm EVFTA chính thức có hiệu lực vào năm 2020.