Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá thị trường chứng khoán trong tháng 3/2024 được hỗ trợ bởi các tin tức tốt xấu đan xen.
Theo đó, ABS nhận định tỷ lệ giải ngân đầu tư công toàn quốc được giữ ở mức cao kể từ cuối năm 2023, nguồn vốn FDI ghi nhận mức tăng trưởng ổn định qua từng quý, xuất nhập khẩu phục hồi đáng kể so với trước, chỉ số PMI có tháng thứ 2 liên tiếp ở mức mở rộng.
Thêm vào đó, việc môi trường kinh doanh phục hồi khi số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng trở lại là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầu năm 2024. "Dự kiến xu hướng này vẫn tiếp tục trong các tháng còn lại của nửa đầu năm 2024", ABS nhận định.
Tuy nhiên, sau một giai đoạn giảm lãi suất điều hành rất quyết liệt của Chính phủ trong nửa cuối năm 2023, lãi suất huy động ngân hàng đã giảm xuống các mức thấp kỷ lục, khiến cho kênh tiền gửi đã không còn hấp dẫn.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa tăng, cùng với giá vàng thế giới tăng và chênh lệch lãi suất USD – VND mở rộng đã khiến giá vàng, giá USD tăng mạnh, trực tiếp gây áp lực trở lại lên lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng yếu do đầu tư tư nhân vẫn đối mặt nhiều áp lực. Dự báo lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức thấp và chưa tăng trở lại ngay. Tỷ giá neo cao tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu, ngược lại cũng thúc đẩy lạm phát và giá vàng. Dòng tiền nội sẽ tiếp tục là lực cầu chủ đạo của thị trường.
Thị trường kỳ vọng hệ thống KRX sẽ chính thức được vận hành trong quý 2/2024 và Việt Nam sẽ được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ xem xét vào tháng 9/2024 của tổ chức này.
Xa hơn, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Khi đó, các cổ phiếu có vốn hóa vừa và lớn, có vị thế đầu ngành, với kết quả kinh doanh nổi bật... sẽ được thị trường chú ý hơn và thực hiện định giá lại.
Về thị trường chứng khoán, nhóm phân tích ABS cho biết thị trường liên tục tăng điểm trong tháng 1 và tháng 2 với sự dẫn dắt thành công của nhóm ngành ngân hàng và các cổ phiếu đầu ngành. Tính từ vùng đáy 1.070 – 1.080, chỉ số VN-Index đã tăng 200 điểm trong 12 tuần giao dịch.
Theo đó, ABS đưa ra hai kịch bản cho chứng khoán trong tháng 3/2024. Với kịch bản xác suất cao: Trong diễn biến ngắn hạn, thị trường sẽ điều chỉnh về quanh 1.210 - 1.220 điểm, sau đó trở lại tăng điểm tới vùng 1.208 - 1.297 điểm, rồi tiếp tục đi lên vùng 1.305 - 1.315 điểm.
Với kịch bản xác suất thấp: Thị trường chung có thể xảy ra điều chỉnh ngắn hạn trên các khung thời gian nhỏ. Trong diễn biến này, ABS khuyến nghị nhà đầu tư nên thực hiện hạ tỷ trọng với giao dịch ngắn hạn.
Với kịch bản chủ đạo dự báo thị trường tiếp tục diễn biến tích cực ở nhịp lên thứ 3 trong ngắn hạn, nhà đầu tư ngắn tiếp tục giao dịch với những cổ phiếu có sự đồng pha tăng điểm với VN-Index, điển hình là các ngành và cổ phiếu đang có mô hình tích lũy lâu dài, định giá còn rẻ so với thị trường chung bao gồm: Các cổ phiếu đầu ngành, vốn hóa lớn (POW, REE, VNM, BCM, MSN); Ngành bất động sản (HDG, DXG, HDC..), Ngân hàng (MBB, CTG), Bán lẻ (DGW) và Phân bón (DCM).