Chứng khoán ngày 8/8, phiên giao dịch hôm nay thị trường diễn ra với nhiều biến động, cuối phiên sáng VN-Index tiếp tục tăng điểm với sự dẫn dắt của cổ phiếu VHM cùng nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công lên sát mốc 1.220 điểm.
Tuy nhiên lực bán mạnh xuất hiện ngay đầu phiên chiều khiến cho VN-Index kết phiên giảm -7,56 điểm (-0,62%) xuống mốc 1.208,32 điểm. HNX-Index kết phiên tại mốc 226,73 điểm (-1,22 điểm, tương ứng -0,54%).
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 172 cổ phiếu giảm giá, 141 cổ phiếu tăng giá, 55 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 82 cổ phiếu giảm giá, 55 cổ phiếu tham chiếu và 60 cổ phiếu tăng giá.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tăng so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +25,2% tại HOSE và +32,9% tại HNX. Khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục đà bán ròng với -1.163,662 tỷ đồng tại HOSE tiếp tục tập trung tại mã VHM (-315,6 tỷ), cùng với đó là mã VJC (-334,1 tỷ), TCB (-214,1 tỷ) và HPG (-137 tỷ)...
Ở chiều ngược lại, mua ròng HDB (+324,3 tỷ), VNM (+78,1 tỷ)... Cùng với đó, mua ròng từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với +18,6 tỷ đồng, tập trung tại các mã TNG (+15,7 tỷ), IDC (+12,4 tỷ) và PVS (+5,4 tỷ), chiều bán ròng nổi bật với SHS (-6,3 tỷ), LAS (-2,7 tỷ), BVS (-2,6 tỷ)...
Điểm nhấn thị trường hôm nay là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công với HHV tăng kịch biên độ (+7%), C4G (+3,37%), FCN (+4,7%), LCG (+5,8%), VCG (+5,7%)... Nhóm ngành dệt may có một phiên giao dịch ấn tượng , cụ thể là TNG (+4%), VGT (+4,32%), MSH (+6,98%), STK (+3,81%), ADS (+4,59%)...
Đa số cổ phiếu ngành cảng và vận tải biển giao dịch trong sắc xanh với HAH (+0,13%), VOS (+0,99%), VIP (+1,15%), cổ phiếu PVT (+2,01%) phản ứng tích cực với tin về kế hoạch chi thêm 22.420 tỷ đồng để mua thêm 30 tàu mới...
Nhóm ngành tác động nhiều nhất tới chỉ số hôm nay là ngân hàng khi các mã vốn hóa lớn đều giảm điểm như TCB (-4,36%), MBB (-1,28%), BID (-0,86%), VPB (-0,8%), VCB (-0,5%) dù một số mã tăng điểm như HDB (+0,4%), LPB (+0,35%), BVB (+0,59%).
Nhóm cổ phiếu Vingroup phân hóa với VHM (+1,1%), VIC (-1,3%), VRE (-1,9%). Diễn biến tương tự cũng diễn ra với nhóm hàng tiêu dùng khi VNM (-1,5%) điều chỉnh sau đợt tăng mạnh trong khi MSN (+2,1%) tăng.
Các nhóm cổ phiếu khác giao dịch kém tích cực, tiêu biểu như viễn thông với các mã VGI (-2,41%), FOX (-1,94%), TTN (-0,42%), MFS (-0,74%), du lịch và giải trí với HVN giảm kịch biên độ (-6,99%), DAH (-1,17%), VNG (-5,12%)...
Nhóm ô tô và phụ tùng giao dịch trong sắc đỏ với HHS giảm kịch biên độ (-6,92%), HAX (-2,53%), TMT (-6,9%), SRC (-6,76%)... nhóm cổ phiếu chứng khoán với FTS (-3,03%), CTS (-2,9%), BSI (-2,55%), VDS (-1,51%), MBS (-3,09%)...
Nhóm ngành bất động sản dân cư kém khởi sắc so với phiên hôm qua khi TCH giảm kịch biên độ (-6,74%), PDR (-2,81%), DXG (-1,52%), NLG (-2,68%), NTL (-4,86%), CEO (-2,11%), HDG (-2,83%)...
Giải ngân tương quan với khẩu vị rủi ro
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Áp lực bán vẫn khá mạnh so với lực cầu, tuy nhiên thanh khoản không dâng nhanh đột ngột nên tạm thời thị trường chưa quá xấu và điều quan trọng là tích lũy tạo nền hỗ trợ vững chắc ở khu vực 1.200-1.220 điểm.
Chúng tôi giữ nguyên quan điểm khuyến nghị như phiên trước với mức giải ngân tương quan với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, ưu tiên chọn lọc những cổ phiếu tạo đáy thành công hoặc vận động cùng VN-Index và thuộc một số nhóm ngành có kỳ vọng khả quan như đầu tư công, xăng dầu.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường sẽ tạo đáy
Chứng khoán AIS
Thị trường rung lắc và bị bán ra khi chỉ số VN-Index tiến sát mốc 1.220 điểm bởi áp lực chính đến từ nhóm cổ phiếu trụ. Sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đây đang là giai đoạn trũng thông tin. Do vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường sẽ tạo đáy trong ngắn hạn.
Trong tuần này, VN-Index bảo toàn được ngưỡng điểm số 1.200 điểm và chinh phục được ngưỡng 1.245 điểm (giá trị của đường MA20 ngày) sẽ là điều kiện quan trọng nhất cho việc xác lập đáy của thị trường. Còn không mọi chuyện vẫn chưa thể tích cực hơn.
Giữ nguyên danh mục đã mua phiên thứ Hai
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
VN-Index ngắt mạch tăng 2 phiên liên tiếp trước đó bằng một phiên giảm điểm có thanh khoản tăng nhẹ với khối lượng khớp lệnh trên HSX tiệm cận mức trung bình 20 phiên. Trong phiên hôm nay, dù giảm điểm nhưng vẫn chưa bẻ gãy nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn đã hình thành trong 2 phiên tăng điểm trước.
Chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng nhịp hồi này sẽ kéo VN-Index test ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.250 điểm. Vì vậy, nên tiếp tục giữ nguyên danh mục đã mua phiên thứ Hai đầu tuần và tận dụng nhịp chỉnh của thị trường chung khi VN-Index về ngưỡng 1.200 điểm để gia tăng thêm tỷ trọng ở những cổ phiếu đang có lợi nhuận.
Áp lực cung giá cao nhiều khả năng sẽ sớm gia tăng
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index đã cho phản ứng rút chân ngay tại đường MA200 ngày và hình thành mẫu nến "Spinning", thể hiện thế giằng co vẫn đang chi phối chính giao dịch của thị trường, tuy nhiên thế chủ động có phần nghiêng về phe bán hơn.
Mặc dù lực đỡ đến từ dòng tiền bắt đáy giúp cho VN-Index dần tích lũy được vùng nền quanh ngưỡng MA200 ngày, nhưng áp lực cung giá cao nhiều khả năng sẽ sớm gia tăng tại các mốc kháng cự, gây rủi ro đảo chiều cho chỉ số.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh bán, hạ tỷ trọng danh mục về mức thấp khi chỉ số hoặc mã mục tiêu hồi phục và tiếp cận các vùng kháng cự.
Chỉ nên nắm giữ tỷ trọng trung bình thấp
Chứng khoán Asean
Phiên giao dịch hôm nay cho thấy sự giảm điểm của VN-Index với áp lực bán mạnh từ các cổ phiếu tài chính và bất động sản. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tiện ích như kinh doanh khí, điện, dệt may, đầu tư công lại có sự tăng trưởng tích cực, tạo điểm sáng trong bối cảnh thị trường chung đang yếu.
Thanh khoản thị trường ở mức cao hơn so với phiên trước nhưng một lần nữa khối ngoại lại bán ròng mạnh cho thấy góc nhìn tiêu cực của nhóm nhà đầu tư này. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng, chỉ nên nắm giữ tỷ trọng trung bình thấp và chỉ mua nếu thị trường xác lập đáy.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.