CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco – HoSE: VOS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 711,8 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế công ty 199 tỷ đồng, tăng 7% so với quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần VOS đạt 1.804 tỷ đồng; lãi trước thuế là 566,2 tỷ đồng; lần lượt tăng 87% và 38,5% so với cùng kỳ, tương ứng vượt 14,9% kế hoạch doanh thu và 44,75% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 5 vừa qua.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu là 1.570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 391 tỷ đồng. Với 566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, VOS đã vượt 45% kế hoạch đề ra chỉ sau ba quý.
Tổng tài sản VOS tại ngày 30/9/2022 ghi nhận con số 2.734,3 tỷ đồng, giảm so với đầu năm, chủ yếu do giá trị hao mòn lũy kế tăng 6%.
Cấu phần chủ yếu tài sản là đầu tư tài chính ngắn hạn 400 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 219 tỷ đồng; hàng tồn kho 142 tỷ đồng; tài sản cố định hữu hình 1.280 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của VOS là 1.257 tỷ đồng, giảm 27,5%. Trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%, chủ yếu tới từ 411 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 96,5 tỷ đồng thuế và các khoản nộp Nhà nước và 119,2 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác. Nợ dài hạn chiếm 45% còn lại của cơ cấu nợ, 91% trong số đó là khoản 518,8 tỷ đồng phải trả dài hạn khác.
Trong biên bản giải trình chênh lệch lợi nhuận gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VOS cho biết, mặc dù thị trường vận tải biển có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng mặt bằng cước được duy trì ở mức tương đối tốt. Sau những tháng đầu năm khó khăn do nhiều tàu lớn phải lên đà sửa chữa định kỳ kể từ cuối quý 1, công ty đã bám sát diễn biến, tận dụng cơ hội thị trường để nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện kết quả kinh doanh.
Công ty đã ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu hàng khô. Đặc biệt, thị trường tàu dầu sau khi gặp nhiều khó khăn trong quý 1 đã có sự tăng trưởng trong quý 2 và đặc biệt là quý 3.
Trong quý III và 9 tháng đầu năm, VOS có thêm doanh thu và chi phí của hai tàu dầu sản phẩm Đại An và Đại Phú. Đây là các tàu công ty thuê để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần từ nửa cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, công ty còn có 125 tỷ đồng từ lãi bán cổ phiếu Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam và 93 tỷ đồng lãi từ việc bán tàu Đại Nam.