Theo báo cáo "Cưỡi sóng lớn: Sự thần kỳ Đông Á trong thế kỷ 21" của WB, tăng trưởng bao trùm đòi hỏi các nước phải tiến thêm một bước xa hơn nữa so với mô hình "tăng trưởng công bằng" để đạt được mục đích giảm nghèo, giúp mọi người đi lên và đảm bảo an ninh kinh tế.
"Viễn cảnh nâng cao địa vị cho mọi người sẽ ngày càng trở nên xa vời hơn cho thấy dường như thu nhập và của cải ngày càng tập trung vào một nhóm người. Ttrong khi đó, tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu vẫn còn hạn chế và nếu có thì chất lượng thường thấp", báo cáo chỉ rõ.
Theo đánh giá của WB, đảm bảo an ninh kinh tế đang ngày càng trở nên khó thực hiện hơn, nhất là khi các nước trong khu vực lại phải đối mặt với thách thức mới: già hóa nhanh, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế kém chắc chắn hơn và đô thị hóa mạnh hơn.
"Bất bình đẳng ngày càng là một nguy cơ cho người dân trong khu vực. Hơn 90% người Trung Quốc và hơn nửa dân số Phi-lip-pin cho rằng, khoảng cách thu nhập ở hai nước này quá lớn. Tại In-đô-nê-xi-a, khoảng 90% người dân cho rằng cần giải quyết vấn đề bất bình đẳng một cách cấp thiết, còn 8 trong số 10 người Việt Nam lo lắng về khoảng cách mức sống", chi tiết nổi bật trong báo cáo.
Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á Thái Bình Dương khẳng định, đưa gần 1 tỉ người trong khu vực thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực trong vòng 1 thế hệ là một kỳ tích lịch sử. Nhưng nếu các nước trong khu vực muốn duy trì tăng trưởng hòa nhập thì họ phải xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo cùng cực, cải thiện địa vị kinh tế và đảm bảo an ninh kinh tế cho mọi người.
Từ một khu vực gồm hầu hết các nước nghèo trong thập kỷ 1980, tính dến nay, khu vực Đông Á Thái Bình Dương đã trở thành một tập hợp các nền kinh tế thu nhập trung bình với nhiều giai tầng kinh tế khác nhau. Vào năm 2015 gần 2/3 dân số trong khu vực thuộc tầng lớp đảm bảo về kinh tế hoặc trung lưu. Đây là mức tăng đáng kể so với so với tỉ lệ trên 20% năm 2002.
Hiện, tỷ lệ nghèo cùng cực và nghèo trung bình của khu vực Đông Á Thái Bình Dương đã giảm mạnh, từ gần một nửa dân số năm 2002 xuống dưới 1/8 dân số năm 2015. Tuy nhiên tỉ lệ nhóm dễ bị nghèo trở lại (với thu nhập 3,10 -5,10 USD/ngày) vẫn không thay đổi trong khoảng thời gian 2002-2015 và xoay quanh mức khoảng 1/4 dân số.
Với những thay đổi tích cực nhưng vẫn kèm theo khó khăn này, các chính sách tăng trưởng bao trùm cần nhận ra và giải quyết các hạn chế mà các giai tầng kinh tế khác nhau phải đối mặt. Chính sách cho các nhóm nghèo còn lại cần giảm rào cản tới cơ hội kinh tế cho họ và đảm bảo tăng trưởng trên diện rộng, nhằm giúp các nhóm nghèo di chuyển lên các nấc thang cao hơn trong phân tầng thu nhập.
Tăng cường tiếp cận dịch vụ thiết yếu, ví dụ dịch vụ y tế và cơ sở hạ tầng, và đổi mới cơ chế quản lý rủi ro sẽ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương về kinh tế. Chính sách ưu tiên đối với nhóm đảm bảo về kinh tế và nhóm trung lưu là tăng cường cung cấp và tăng cường dịch vụ công, ví dụ nhà ở, cấp nước, vệ sinh môi trường.
Theo WB, chương trình chính sách này dựa trên 3 trụ cột, bao gồm: tăng cường cải thiện địa vị kinh tế nhằm giảm khoảng cách tiếp cận tới công ăn việc làm và dịch vụ, cải thiện chất lượng việc làm, và tăng hòa nhập tài chính; tăng cường an ninh kinh tế bao gồm tăng cường hệ thống an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm xã hội, và tăng tính chịu đựng với các cú sốc và tăng cường thể chế cần thiết để tăng trưởng hòa nhập là trụ cột thứ ba (chính sách thuế lũy tiến để tăng nguồn thu và cải thiện tính hiệu quả của các khoản chi của các chương trình hướng tới người nghèo). Quản lý tốt hơn hiện tượng già hóa và đô thị hóa cũng như tăng cường cạnh tránh cũng sẽ là cần thiết.
"Chương trình nghị sự về tăng trưởng hòa nhập sẽ tạo ra một khế ước xã hội đối với các chính phủ trong khu vực. Chương trình này sẽ đáp ứng các đòi hỏi của mỗi giai tầng kinh tế, đồng thời đảm bảo trách nhiệm tài khóa, tăng cường nguồn thu một cách hiệu quả và công bằng", ông Sudhir Shetty - Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á Thái Bình Dương khẳng định.
“Trong báo cáo này, WB cũng nhấn mạnh vào tình hình thực tế của Việt Nam - nước "vừa thoát nghèo đang tiến lên thịnh vượng, cần chú trọng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và các nhóm còn dễ bị tổn thương; đồng thời cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng già hóa nhanh.
Các nước đang phát triển khu vực Đông Á là tấm gương tiên phong và đã cho thấy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bao trùm mọi đối tượng đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo. Với các chính sách mà báo cáo đã nêu các nước trong khu vực sẽ đối phó hiệu quả với những thách thức mới mà họ đang phải đối mặt trong quá trình tăng trưởng hòa nhập của mình.