Xuất hiện 1 công ty nắm quyền kiểm soát mọi tài sản chung, hé lộ tỷ lệ sở hữu thực sự của ông Vũ bà Thảo tại Trung Nguyên

Tâm điểm phân chia tài sản giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ xoay quanh số cổ phần tại Trung Nguyên Investment - công ty mẹ tối cao của toàn hệ thống Trung Nguyên.
Xuất hiện 1 công ty nắm quyền kiểm soát mọi tài sản chung, hé lộ tỷ lệ sở hữu thực sự của ông Vũ bà Thảo tại Trung Nguyên

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa vụ ly hôn của 2 nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ được đưa ra phân xử. Tâm điểm của vụ ly hôn này nằm ở việc phân chia khối tài sản chung có trị giá lên đến vài nghìn tỷ đồng của 2 người với tài sản giá trị nhất là số cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Sau phân chia tài sản, bên nào có được số phần cao hơn đương nhiên sẽ có lợi thế trong việc nắm quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Với cục diện đang có phần yếu thế hơn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đưa ra yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung và yêu cầu ông Vũ cấp dưỡng nuôi con đối với mỗi người con là 5% số cổ phần của Ông Vũ, 4 người con là 20% số cổ phần của Ông Vũ.

Ông Vũ yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung và không yêu cầu Bà Thảo cấp dưỡng nuôi con. Ông Vũ tôn trọng nguyện vọng của các con. Nếu các con muốn sống với mẹ và nếu Tòa án phán quyết giao cho bà Thảo nuôi dưỡng 4 người con chung, ông Vũ cấp dưỡng mỗi người con là 5% số cổ tức của mình, 04 người con là 20% số cổ tức của Ông Vũ. Ông Vũ vẫn cấp dưỡng nuôi con cho đến khi người con đã thành niên tốt nghiệp xong đại học.

Việc yêu cầu cấp dưỡng mỗi người con 5% số cổ phần bà Thảo đưa ra khác biệt rất lớn với 5% số cổ tức mà ông Vũ đề xuất khiến 2 bên chưa thể tìm được tiếng nói chung để hòa giải và sẽ phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa.

Để hiểu hơn về sự phân chia tài sản này cần phải nhìn vào cơ cấu sở hữu hiện tại của Trung Nguyên.

Công ty trung tâm của toàn bộ hệ thống Trung Nguyên là CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê của tập đoàn. Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng - nhưng ông Vũ chỉ trực tiếp sở hữu 20% và bà Thảo sở hữu 10%.

70% cổ phần còn lại được nắm giữ bởi CTCP Đầu tư Trung Nguyên - Trung Nguyên Investment, công ty holding do ông Vũ và bà Thảo lập nên để quản lý tập trung khối tài sản của gia đình.

Với việc nắm quyền kiểm soát CTCP Tập đoàn Trung Nguyên thì mấu chốt của vụ việc phân chia tài sản ông Vũ - bà Thảo sẽ diễn ra tại Trung Nguyên Investment.

Ông Vũ, bà Thảo cũng trực tiếp nắm cổ phần tại công ty Đặng Lê, Công ty Cà phê Trung Nguyên, Công ty Cà phê Hòa tan Trung Nguyên

Trung Nguyên Investment có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng, nắm giữ quyền kiểm soát đối với CTCP Tập đoàn Trung Nguyên cùng 2 pháp nhân khác là Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê và Công ty Vũ Nguyên Đăk Nông.

Không chỉ sở hữu về mặt cổ phần, Trung Nguyên Investment còn là chủ sở hữu trí tuệ tất cả các nhãn hiệu thuộc nhóm cà phê Trung Nguyên như: nhãn hiệu công ty, chuỗi quán cà phê, cà phê bột, cà phê hạt, cà phê tươi Trung Nguyên, cà phê hòa tan G7… theo như thông tin tra cứu từ Thư viện số về sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công Nghệ).

Tại thời điểm 31/12/2016, công ty này có 4 cổ đông gồm ông Vũ sở hữu 60%, bà Thảo sở hữu 30%. Bố mẹ ông Vũ là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước mỗi người nắm giữ 5%. Tuy nhiên trong năm 2017, số cổ phần của ông Đặng Mơ đã được chuyển nhượng toàn bộ cho ông Vũ (1,66%), bà Ước (1,68%) và những người khác. Đến cuối năm 2017, cơ cấu sở hữu của Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ nắm 61,66%, bà Thảo nắm 30% và bà Ước nắm 6,68%.

Giả sử khối tài sản của ông Vũ bà Thảo sẽ được chia đôi thì khi đó mỗi người sẽ nắm giữ 45,83% cổ phần khi đó cục diện sở hữu có lợi cho ông Vũ hơn khi mà người thân của ông Vũ vẫn nắm giữ 8,34% cổ phần còn lại.

Tuy không nắm được cổ phần đa số nhưng với gần 46% cổ phần, bà Thảo vẫn có thể phủ quyết được nhiều quyết sách quan trọng của Trung Nguyên.

Nếu như Tòa phán quyết ông Vũ phải cấp dưỡng cho 4 người con 20% số cổ phần của mình thì lúc đó 4 người con sẽ có hơn 9% cổ phần của Trung Nguyên Investment, chưa kể cổ phần tại các công ty khác. Khi đó, quyền kiểm soát sẽ lại dịch chuyển về phía bà Thảo.

Theo Trí Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…