6 tháng FLC đạt doanh thu “khủng” 5.296 tỷ đồng, tăng trưởng 80%

Nhờ doanh thu quý 2/2018 tăng mạnh đạt hơn 3.030 tỷ đồng, nên doanh thu 6 tháng đầu năm của Tập đoàn FLC (mã: FLC) đạt hơn 5.296 tỷ đồng. Song chi phí bán hàng, lãi vay tăng cao nên lợi nhuận trước th
6 tháng FLC đạt doanh thu “khủng” 5.296 tỷ đồng, tăng trưởng 80%

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn

Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn FLC ghi nhận hoạt động kinh doanh khởi sắc với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đột biến.

Trong quý 2/2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.030 tỷ đồng, tăng gấp 2,26 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhưng giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh tương ứng lên 2.640 tỷ đồng.

Chi phí tài chính lãi vay của FLC đã tăng đáng kể trong quý 2, đạt 84 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 67 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng tăng tới 172% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 165 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm xuống còn 92,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 122 tỷ đồng.

Do FLC ghi nhận khoản lỗ tới 20,7 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế quý 2 chỉ còn 66,28 tỷ đồng và lãi sau thuế 25,4 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu hợp nhất của FLC đạt hơn 5.296 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính cũng bất ngờ tăng mạnh lên 295,6 tỷ đồng so với mức 234,5 tỷ đồng của nửa đầu năm 2017.

Song chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) tiếp tục “ngốn” của FLC hơn 248,4 tỷ đồng, tăng thêm 92,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi chi phí bán hàng tăng gấp đôi, lên hơn 210,7 tỷ đồng, thì chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ lên 189 tỷ đồng. Điều này phản ánh mức độ gia tăng chi phí bán hàng của FLC đang tốn kém hơn so với mức độ tăng trưởng doanh thu trong nửa đầu năm nay.

Mặc dù doanh thu tăng đột biến song luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng của FLC chỉ đạt 205,6 tỷ đồng và lãi sau thuế vỏn vẹn… 124,7 tỷ đồng, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2018, Tập đoàn FLC đã điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên, cụ thể, doanh thu giảm xuống mức 12.500 tỷ đồng, lãi trước thuế mục tiêu là 700 tỷ đồng và sau thuế 560 tỷ đồng.

Như vậy, kết quả kinh doanh 6 tháng qua của FLC mới chỉ hoàn thành 42,4% kế hoạch doanh thu và 22,2% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản của FLC tiếp tục tăng trưởng 3.458 tỷ đồng, đạt mốc 26.252 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tiếp tục tăng thêm gần 2000 tỷ đồng, lên mức 12.413 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản phải thu từ khách hàng mua nhà, đất của FLC, phải thu từ cho vay ngắn hạn hơn 5.400 tỷ đồng.

Giá trị hàng tồn của tập đoàn vẫn duy trì như thời điểm đầu năm ở mức 1.229 tỷ đồng và không ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn.

Cùng với quy mô tăng trưởng kinh doanh nhanh chóng, tổng nợ phải trả của toàn tập đoàn FLC cũng tăng mạnh lên 17.602 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 81%, tương ứng 14.364 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả cho nhà thầu xây dựng, đơn vị cung ứng nguyên vật liệu, chi phí, phải trả khác, vay nợ và nợ thuê tài chính…

Nợ dài hạn chủ yếu là nợ vay và thuê tài chính tăng thêm 10%, lên 3.013 tỷ đồng.

Đến hết 30/6/2018, vốn chủ sở hữu của FLC tăng nhẹ lên mốc 8.651 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ vẫn duy trì ở mức 6.827 tỷ đồng sau các đợt phát hành tăng vốn ồ ạt nhiều năm qua.

Lợi nhuận chưa phân phối của FLC đến cuối kỳ đạt 1.471 tỷ đồng và tập đoàn dự kiến sẽ phát hành chia cổ tức của năm 2017 ở mức 4% bằng cổ phiếu.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu FLC trong vòng 1 tháng qua có biến động rất mạnh. Thị giá FLC đã tăng trưởng 44% so với mức đáy xác lập gần đây là 4.500 đồng/CP. Phiên giao dịch sáng nay, FLC mở cửa ở mức 6.520 đồng/CP sau chuỗi ngày tăng liên tục và 2 phiên tăng trần. Khối lượng giao dịch tăng đột biến vượt hơn 20-28 triệu đơn vị/phiên.

Tập đoàn FLC hiện là chủ đầu tư của hơn 60 dự án bất động sản và quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nổi bật là các dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn, FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quảng Bình…

Tập đoàn này cũng vừa được Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Theo thông báo, FLC sở hữu 100% vốn của Bamboo Airways và tiến hành mở bán vé máy bay vào ngày 2/9, dự kiến cất cánh chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10/2018. 

>> ĐHCĐ Tập đoàn FLC: Bamboo Airways sẽ sớm cất cánh, huy động 3.000 tỷ cho dự án Quảng Bình

Có thể bạn quan tâm