90% nông sản Việt xuất khẩu dưới nhãn nước ngoài

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm đang được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng Việt.
90% nông sản Việt xuất khẩu dưới nhãn nước ngoài

Mặc dù là nước dẫn đầu về xuất khẩu các mặt hàng nông sản như càphê, gạo, chè, hạt tiêu... nhưng nhiều năm nay giá trị thu về của các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam thường khá bấp bênh, thậm chí nông sản càng được mùa càng mất giá.

Bảo hộ chỉ dẫn để nâng giá trị

Chính vì vậy, để nông sản xuất khẩu và xuất khẩu được với giá cao yêu cầu cần phải có thương hiệu mạnh, nổi tiếng và có uy tín trên thị trường, trong hướng đi đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm đang được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng Việt.

Tại hội thảo "Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch (HPA) chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương tổ chức tổ chức sáng 1/12 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã nêu một thực tế, ​Việt Nam ​có rất nhiều đặc sản vùng miền ​nhưng nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp vẫn ​chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ ​và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Là xứ nhiệt đới với nhiều loại nông sản đặc sản. Nhưng việc thiếu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã khiến giá trị cũng như khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam giảm đi rất nhiều.

Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài….

Tồn tại trên, theo lãnh đạo thành phố Hà Nội có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp.

Thậm chí theo ông Toản, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.

Từ thực tế đó, ​lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng.

Kinh nghiệm từ ​nước mắm Phú Quốc

Thực tế cho thấy, nếu không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì những đặc sản sẽ dần mất đi. Về mặt chiến lược, chỉ dẫn địa lý có nhiều tác dụng kinh doanh mạnh mẽ giống như tác dụng của nhãn hiệu hàng hóa. Tầm cỡ của những đặc sản địa phương có thể được nâng lên trong con mắt người tiêu dùng.

Ngoài việc tạo danh tiếng và nâng được giá của sản phẩm trên thương trường, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn giúp thu hút đầu tư và quảng bá du lịch cho vùng có sản phẩm đặc sản đó.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), kể từ thời điểm Việt Nam được phía EU chấp nhận về tên gọi xuất xứ đối với sản phẩm nước mắm Phú Quốc năm 2013, đến nay số lượng sản phẩm bán ra tại thị trường này đạt gần 500.000 lít.

"Từ kinh nghiệm đối với sản phẩm nước mắm Phú Quốc, nhờ được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tạo ra sức lan tỏa rõ rệt trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.


Không chỉ tăng số lượng mà đặc biệt về mặt giá trị, với tên gọi xuất xứ được bảo hộ này thì giá bán của sản phẩm Phú Quốc theo chứng nhận của cơ quan hữu quan Việt Nam đã tăng từ 30% - 50% tùy từng loại sản phẩm khác nhau.

Điểm đáng mừng nữa, theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại là không chỉ kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu mà mức độ tiêu thụ nước mắm Phú Quốc có xác nhận xuất xứ tăng tại thị trường trong nước mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada.

"Thị trường châu Âu rộng lớn, có đòi hỏi yêu cầu rất cao, một thị trường phân phối mà hệ thống tiêu thụ thực sự được hình thành và ổn định nhiều năm. Việc thâm nhập của một sản phẩm mới là không đơn giản, đấy là chưa nói những thị trường khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada," ông Bùi Huy Sơn nói.

Từ kinh nghiệm sản phẩm nước mắm Phú Quốc được cấp chỉ dẫn địa lý và EU bảo hộ, cần nhân rộng đối với các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền. Làm tốt việc này sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời, hạn chế các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, nạn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Có thể bạn quan tâm