Chủ thương hiệu K Coffee bị “tuýt còi” vì xây dựng không phép

UBND Q.1, TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt đối với Công ty Phúc Sinh, chủ thương hiệu K Coffee vì xây dựng không phép.

Theo quyết định xử phạt của UBND Q.1, Công ty CP Phúc Sinh (Công ty Phúc Sinh) tổ chức xây dựng không phép công trình gồm 1 trệt, 1 lửng và 5 lầu tại địa chỉ 246-248 Võ Văn Kiệt, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM.

Phần xây dựng trái phép của Công ty Phúc Sinh
Phần xây dựng trái phép của Công ty Phúc Sinh

Căn cứ theo Điểm 5, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khái thác, chế biến kinh doanh khoán sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vât liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kĩ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý nhà và công sở, Công ty Phúc Sinh bị xử phạt hành chính số tiền 30 triệu đồng cho sai phạm trên.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh - phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Hết thời hạn này, ông Phan Minh Thông không xuất trình với người có thẩm quyền giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.

Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp thì mới được thi công xây dựng", quyết định xử phạt ghi rõ.

Đồng thời, buộc Công ty Phúc Sinh nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá 10 ngày mà Công ty Phúc Sinh không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Được biết, Công ty CP Phúc Sinh có trụ sở tại 238-240 Võ Văn Kiệt, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, do ông Phan Minh Thông làm người đại diện pháp luật là chủ của thương hiệu K Coffee. Và phần xây dựng không phép của công ty này nằm trong khu nhà cổ, trước đây vốn là trụ sở của Công ty Nước mắm Liên Thành, được xây dựng từ năm 1917. Qua thời gian, trụ sở này được bán cho nhiều người và tạo thành những căn nhà ống liền kề. Hiện nay, những căn nhà liền kề này được xem là khu nhà cổ, chờ phân loại nên không được phá bỏ, xây mới.

Có thể bạn quan tâm