Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp: “Đừng để khi Vn-Index lên 1.200 điểm lại chỉ mong được nhìn thấy con số 1.000”

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc Chi nhánh HCM – CTCK SHS, trong tháng 11/2018 TTCK Việt Nam sẽ chứng kiến những kỷ lục mới khi Vn-Index vượt 1200 điểm.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp: “Đừng để khi Vn-Index lên 1.200 điểm lại chỉ mong được nhìn thấy con số 1.000”

TTCK Việt Nam vừa trải qua những thử thách không nhỏ. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, chứng khoán đã tạo ra những cảm xúc rất khác nhau. Có những giai đoạn thăng hoa, nhưng có những lúc Nhà đầu tư cảm giác bị lạc lối, thậm chí tuyệt vọng.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc Chi nhánh HCM – CTCK SHS về xu hướng TTCK trong những tháng cuối năm.

Xin ông cho biết đâu là những nguyên nhân làm cho thị trường giảm điểm trong thời gian qua?

Sau khi lập đỉnh 1204,33 điểm vào ngày 9/4/2018, TTCK Việt Nam đã có quãng thời gian khá dài, hơn 3 tháng đi vào downtrend. Ngày 11/7/2018 Vn-Index đâm thủng ngưỡng 900, về tới điểm số 893,16. Nếu tính trong phiên, Vn-Index đã có lúc chạm 880 điểm. Việc mất đi hơn 30% giá trị điểm số là việc không hề bình thường. Có thể nói, đây là đợt sụt giảm rất mạnh trong lịch sử. Theo chúng tôi, có 4 nguyên nhân cơ bản tạo lên sự giảm điểm này:

Thứ nhất: Khi tình hình thế giới có biến động, cụ thể là động thái nâng lãi suất khá nhanh của FED, là cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, thì xu hướng rút tiền của khối ngoại ra khỏi các thị trường mới nổi đã dâng cao. Các NĐT nước ngoài nhân dịp này, chốt lời mạnh tay các mã chủ chốt trong rổ chỉ số. Dù giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm tầm 20% so với toàn thị trường, nhưng đã tác động tâm lý và gây ra hàng loạt phiên bán tháo.

Thứ hai: Kinh tế vĩ mô trong quí 2/2018 đã gặp khá nhiều vấn đề. Đầu tiên là việc đồng USD mạnh lên, làm tỷ giá có những lúc chao đảo. Chỉ số CPI trong quí 2 cũng tăng mạnh, một số thông tin không tốt xuất hiện không ủng hộ cho chứng khoán.

Thứ ba: Nếu quý 1 là quí báo cáo kết quả kinh doanh của năm trước, đưa ra phương hướng hoạt động cho năm mới, thì quí 2 là quý hầu hết các doanh nghiệp không có thông tin mới. Mặc dù hoạt động bình thường, nhưng sau khi chứng khoán lập đỉnh, NĐT luôn kỳ vọng quá nhiều. Đến khi nhìn kết quả thực tế, thất vọng quá đà.

Thứ tư: Cho dù thị trường Phái sinh mới đưa vào vận hành, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu không lành mạnh. Thị trường bị thao túng bởi một vài mã cơ sở. Mặc dù số người tham gia Phái sinh hầu hết chỉ là Môi giới các CTCK, nhưng tác động vào thị trường không nhỏ.

Như vậy liệu thị trường đã tạo đáy hay chưa? Liệu trong quí 3/2018 chứng khoán có còn gặp những cú sốc nữa hay không?

Theo quan điểm của tôi, thị trường đã xác lập điểm đáy ở vùng 900. Trong giai đoạn sắp tới, Vn-Index chủ yếu sẽ đi ngang, tích lũy ở điểm từ 930-1000 điểm.

Thời gian này cũng chưa phải là thời gian bùng nổ cho chứng khoán. Đặc biệt yếu tố về thời vụ như vùng trũng thông tin quí 3, tháng 7 âm lịch, cũng sẽ có những tác động nhất định về tâm lý.

Tuy chưa lên ngay, nhưng việc giảm sốc là rất khó, khi những yếu tố bên ngoài cũng đã có những thay đổi tích cực hơn. Khối ngoại dù chưa chấm dứt bán ròng, nhưng đà bán đã chậm lại. Và quan trọng hơn, họ không rút tiền ra khỏi Việt nam. Như vậy, họ sẽ mua ròng khi có điều kiện tốt.

Xin ông đưa ra dự báo về điểm số nói chung, từng nhóm ngành nói riêng trong những tháng cuối năm 2018? 

Như đã nói ở trên, thị trường đã tạo đáy và đang tích lũy trở lại ở vùng cân bằng. Nếu năm 2017, chỉ số Vn-index đã tăng đến 45%, thì năm 2018 chúng tôi dự báo cũng sẽ tăng trưởng 20%-25%. Với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam quanh 7%, thì nền kinh tế của chúng ta vẫn đang giữ được đà, tiếp tục là điểm đến của giới đầu tư. Sau khi tích lũy ở vùng cân bằng, rất có thể thị trường sẽ tích cực ở những tháng cuối năm. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, tháng 11/2018 TTCK Việt Nam sẽ chứng kiến những kỷ lục mới khi Vn-Index vượt 1200 điểm.

Mặc dù chúng tôi vô cùng lạc quan trước viễn cảnh tươi sáng của thị trường, nhưng đối với NĐT, lúc này lại cần hết sức cẩn trọng. Bản thân tôi đã từng gặp những kỷ niệm buồn, là bài học cho rất nhiều NĐT sau này.

Năm 2011-2012 tôi có một vài người bạn đầu tư vàng. Lúc đó vàng ở vùng 950 USD/ ounce. Chúng tôi đã có dự báo vàng sẽ lên mạnh, có thể vượt 1500 USD. Bạn tôi "xuống tiền", tất nhiên với tỷ lệ Margin cao. Đúng là vào tháng 9/2012, vàng lên 1720 USD/ ounce. Chắc tất cả đều nghĩ bạn tôi giàu to. Nhưng thực ra, bạn tôi bị "cháy" tài khoản trước khi kịp nhìn thấy thành quả. Tôi kể lại kỷ niệm này để luôn nhắc nhở sự cẩn trọng trong đầu tư.

Nếu có một lời khuyên, tôi xin được khuyên NĐT hãy thật bình tĩnh, xác định rõ mục tiêu đâu tư với thời gian trung hạn (khoảng 3-6 tháng). Hạn chế dùng đòn bẩy khi thị trường đi ngang. Mua tích lũy với sự kiên định. Hãy đừng để khi Index lên 1200 điểm, lại chỉ mong được nhìn thấy điểm số 1000. Sự hối tiếc phải trả giá bằng tiền bạc.

Chúng tôi có nhận thấy, nhiều mã thuộc nhóm ngành Ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, đang ở vùng giá rất tốt cho mục tiêu trung hạn. Có thể xem xét thêm một vài cá biệt ở nhóm Bất động sản, Xây dựng. Tuy nhiên, dù chọn mã ngành đúng, nhưng việc quản trị danh mục luôn cần được đặt lên hàng đầu.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm