Cơ hội lớn lên của doanh nghiệp Việt

Cả thế giới đang đổ đến Việt Nam, không có lý do gì các doanh nghiệp Việt Nam không đón nhận cơ hội này để phát triển.
Cơ hội lớn lên của doanh nghiệp Việt

Tầm nhìn mới

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đã có những khoảnh khắc thực sự ấn tượng sau khi tham dự khá nhiều các sự kiện liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp tại Tuần lễ Cấp cao APEC, vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
“Lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mà chúng tôi đang hợp tác đã đến Việt Nam. Họ đang có các kế hoạch kinh doanh mới, muốn cảm nhận Việt Nam bằng tất cả các giác quan. Điều này khiến tôi suy nghĩ”, ông Đoàn nói.

Vốn là người định hướng hợp tác với nước ngoài trong các kế hoạch làm ăn, kinh doanh từ sớm, nên hiện tại, Phú Thái có nhiều đối tác chiến lược, trong các lĩnh vực khác nhau, từ phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng, máy móc công nghiệp đến sản xuất hàng may mặc... Không những thế, ông Đoàn cũng đang là thành viên HĐQT của một số doanh nghiệp ở nước ngoài.
Phạm vi hoạt động khá rộng khiến ông có cơ hội nhìn thấy những thương vụ kinh doanh ở nước ngoài, với các đối tác nước ngoài.

“Nhưng thực sự, tôi đang rất muốn chia sẻ suy nghĩ là tại sao doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng tối đa các điều kiện, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, những nhân tố đang kéo các tập đoàn hàng đầu thế giới tìm đến với những chiến lược kinh doanh dài hạn”, ông Đoàn nói.

Phải thẳng thắn, bước cải thiện mang tính nhảy vọt của môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam đang tạo nên sức hút mới với giới kinh doanh.

Trong cả hai bảng xếp hạng về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (Doing Business - WB) và Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (GCI - WEF) vừa công bố hơn 1 tháng trước, Việt Nam tăng 14 bậc tại Doing Business 2018, đứng vị trí 68/190 và tăng 5 bậc trong GCI 2017-2018, xếp thứ 31/137. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017, đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), Việt Nam đã tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc).

Nhưng không chỉ như vậy, ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành WEF còn nhắc tới tài sản vô giá của Việt Nam, không phải dầu mỏ mà là dân số trẻ. Với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, cấu trúc dân số trẻ với gần 60% người dân dưới 35 tuổi, thu nhập tăng nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu mới nổi; khoảng 52 triệu người dùng Internet, khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh, tiêu dùng trong nước đã trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam bên cạnh khu vực xuất khẩu, làm cho Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là các nhãn hàng nổi tiếng nước ngoài.

Bên cạnh đó, một dự báo cũng có tính kích thích các kế hoạch làm ăn, đó là đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động...

Thậm chí, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB còn nhìn thấy ở Việt Nam là một câu chuyện thành công trong phát triển.

“Việt Nam không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ mà còn bao trùm, vì Việt Nam đã quan tâm đến các vấn đề của phát triển, cả kinh tế và xã hội”, bà Kwakwa lý giải và nhắc tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế mạnh mẽ, thị trường và công bằng vào năm 2035.

Rõ ràng, các điều kiện của Việt Nam đang rất khác so với những bất định của thị trường toàn cầu hiện tại, với những dòng trào lưu trái ngược về toàn cầu hóa, về tự do đầu tư – thương mại... chưa kể những bất ổn về chính trị...

Bước chọn

Không chỉ có ông Đoàn suy tính đến việc tiếp tục đặt tiền tại Việt Nam – một địa điểm kinh doanh an toàn.

Kết quả cuộc khảo sát của PWC với 1.400 CEO APEC mà ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC nhắc tới ngay tại APEC CEO Summit 2017 cho thấy, 62% CEO tại Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư trong năm 2018, cao hơn mức trung bình trên toàn khu vực APEC (là 50%). Gần một nửa (47%) nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có kế hoạch tăng cường đầu tư trong 12 tháng tới.

“Đặc biệt, Việt Nam là một trong bốn nền kinh tế hàng đầu bên cạnh Trung Quốc, Indonesia và Hoa Kỳ, có ít nhất 40% các nhà đầu tư nước ngoài dự định rót thêm vốn vào”, ông Bob Moritz chia sẻ thông tin với 2.000 CEO có mặt tại APEC CEO Summit 2017.

Lý do có được sự phấn khích này trong giới CEO tại Việt Nam được PWC nhận định là khả năng tăng biên lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh trong nước (36%) và đặc biệt, dưới góc nhìn dài hạn, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP thực tế đạt trung bình 5,1% hàng năm.

“Dự đoán này dựa trên tiềm năng của Việt Nam với nền tảng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nguồn lao động lành nghề với chi phí cạnh tranh, mang đến các giải pháp đa dạng và khả thi hơn so với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam đang có những định hướng chính sách thu hút đầu tư rõ ràng”, ông Bob Moritz nhấn mạnh.

Thậm chí, một viễn cảnh xa hơn cũng đã được nhắc tới, đó là Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, vượt qua các nền kinh tế phát triển hơn như Hà Lan vào năm 2030 và Australia vào năm 2040...

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong và CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (DOJI) cũng không ngần ngại chia sẻ sự hào hứng khi được hỏi về Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) và APEC CEO Summit 2017 vừa diễn ra trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

“2.000 CEO, trong đó có những CEO hàng đầu thế giới có mặt tại đây không có nghĩa là sẽ có ngay các hợp đồng đầu tư – kinh doanh được ký kết. Nhưng, tôi tin họ đã thực sự cảm nhận thực sự về Việt Nam, về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cũng như chính bản các doanh nhân Việt Nam đang nhìn thấy thêm nhiều cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Cảm nhận này trong kinh doanh rất quan trọng, có thể thúc đẩy rất nhanh các quyết định đầu tư – kinh doanh”, ông Phú chia sẻ.

Cảm nhận mà ông Phú muốn nhắc tới, đó chính là những cam kết mà người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại VBS, trước hàng nghìn CEO trong nước và nước ngoài. Đó là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.

Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn cam kết sẽ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài thuế suất cạnh tranh, Việt Nam còn áp dụng nhiều quy định ưu đãi miễn, giảm thuế dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…

“Trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, cam kết này của Chính phủ thể hiện rõ tinh thần vì doanh nghiệp. Tôi tin là các doanh nghiệp Việt Nam không muốn bỏ lỡ cơ hội trong tầm nhìn mới từ APEC”, ông Phạm Đình Đoàn nói.

Cơ hội lớn lên của doanh nghiệp Việt ảnh 4

Ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành WEF

Nếu bạn nhìn vào toàn cầu hóa và vai trò đặc biệt của Việt Nam trong đó, vào việc Thủ tướng của Việt Nam đang thúc đẩy thương mại trong APEC, điều này được tất cả các thành viên APEC khác đánh giá rất cao. Họ đã coi Việt Nam như một trong những thành viên dẫn dắt trong việc hướng tới một thị trường cởi mở, thương mại tự do và cạnh tranh công bằng.

Hãy nhìn vào các cơ hội hơn là các vấn đề. Nếu Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì nên tập trung vào việc có các thể chế tốt, chính sách tốt, và thúc đẩy khu vực tư nhân nhiều hơn. Tôi thấy rằng Việt Nam đang đi đúng chiến lược này và điều đó có nghĩa là các bạn đã chuẩn bị cho tương lai. Tất nhiên, khi triển khai cụ thể thì Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nhưng hướng đi như vậy là đúng đắn và làm chúng tôi rất lạc quan.

Có thể bạn quan tâm